Trụ sở, văn phòng thời 4.0

Thời công nghệ 4.0, Covid-19, mọi thứ được ưu tiên làm việc từ xa nhưng một số cơ quan vẫn xây trụ sở hoành tráng.

Trụ sở hiện tại của UBND huyện tôi rất đồ sộ và hoành tráng, nằm ở vị trí đắc địa của trung tâm thị trấn sầm uất, dân trí cao, có view và phong thủy tuyệt đẹp: nhìn ra đường lớn và hồ nước xanh mát.

Thế mà một trụ sở mới cách đấy khoảng gần một km đã và đang được xây dựng để thay thế cho trụ sở rất đẹp này. Vấn đề ở đây là trụ sở UBND huyện (và trụ sở, cơ quan làm việc khác) đang đẹp như thế này liệu có cần thiết xây cái mới?

Dù tỉnh nhà có nguồn thu ngân sách lớn nhưng cũng chưa đến mức giàu quá, còn rất nhiều công trình điện, đường, trường, trạm cần đầu tư hơn, chẳng hạn: trang bị những bóng điện dùng năng lượng mặt trời ở các đường làng, ngõ xóm ở xa trung tâm để những đêm tối ở những vùng này bớt âm u, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người dân.

>> Nợ đầm đìa vì xây nhà một tỷ đồng khi chỉ có 300 triệu

Xu hướng phát triển liệu có cần xây trụ sở to đẹp không? Trong bộ sách Dự báo tương lai 3 tập nổi tiếng của Avin Toffler đã được xuất bản từ những năm 80 nhưng đã có đoạn viết đại ý: “Trước kia sự phát triển cần tập trung, ví dụ như tập trung ở thành phố, tạo thành các siêu đô thị để phát triển. Tương lai sự phát triển có thể không cần tập trung, sự phân tán cũng có thể thúc đẩy sự phát triển”.

Đối chiếu với tiến trình phát triển của nhân loại, đặc biệt là thời điểm dịch bệnh Covid – 19 hoành hành này thì chúng ta thấy điều này là cực kỳ chính xác. Giờ đây không phải cứ đến công ty mới làm được việc, không phải cứ đến văn phòng mới hội họp được…

Học trực tuyến, thi trực tuyến, làm việc trực tuyến… đã trở nên bình thường, mô hình tập trung có thể được thay bởi mô hình phân tán. Không nhất thiết cứ phải tập trung mới có thể làm việc được, nhờ công cuộc chuyển đối số đang diễn ra mạnh mẽ, Chính phủ điện tử đang giúp giải quyết rất nhiều công việc hành chính mà không cần đến trụ sở to đẹp.

Có thể phân tán vẫn phát triển theo dự báo của Avin Toffler. Chuyện lãng phí trong đầu tư công còn liên quan đến tầm nhìn của lãnh đạo. Có những công trình tốn kém mà sử dụng được vài năm đã lỗi thời.

>> Sai lầm khi xây nhà hoành tráng ở ngoại ô

Trường Phổ thông Năng khiếu của huyện tôi vừa đi vào hoạt động từ dầu kỳ 2 năm học này. Trường được xây dựng rất tốn kém, tuy nhiên từ trước khi đi vào hoạt động thì nhiều người đã nhìn ra những bất cập. Lẽ ra phải đặt trường ở khu hành chính, văn hóa. giáo dục nhưng trường lại được xây ở cạnh khu công nghiệp. Khu công nghiệp này mới có một nhà máy may khoảng 5000 công nhân và một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nếu như mai kia có những nhà máy về khu công nghiệp này mà gây ô nhiễm thì liệu có phụ huynh nào dám cho con em mình học ở đây?

Phải hài hòa mới mong phát triển tốt được, khu hành chính, văn hóa, giáo dục thường được quy hoạch tập trung nhưng nay trường học lại tách riêng ra, lại ở ngay khu công nghiệp thì sao mà hài hòa, sao mà phát triển tốt được đây? Về tầm nhìn trong quy hoạch, các lãnh đạo địa phương cần tham khảo các nhà chuyên môn, thậm chí là thuê họ chứ không nên đưa ra những quyết định mang tính chủ quan liên quan đến quy hoạch. Như thế thì địa phương mình, đất nước mình mới hài hòa, mới đẹp được.

Phạm Xuân Anh

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *