Tự kẻ vạch ‘xí chỗ’ đậu xe trước cửa nhà

Chủ nhà tự ý kẻ vạch sơn trên đường để “đánh dấu chủ quyền” đỗ xe của mình trước cửa.

Lướt Facebook, tôi tình cờ thấy hình ảnh một chủ nhà tự ý kẻ vạch sơn “đánh dấu chủ quyền“:

Chủ nhà tự ý vạch sơn ‘xí chỗ’ đậu xe trước cửa nhà. Nguồn: Otofun

Cuộc tranh cãi xung quanh câu chuyện đỗ xe chắn cửa nhà ở Việt Nam suốt bao năm qua vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Cánh tài xế vẫn một mực khẳng định “đường không có biển cấm đỗ nên có quyền đậu xe”, còn những gia chủ bị xe đỗ trước cửa luôn hậm hực, bức xúc vì bị cản trở sinh hoạt mà không biết kêu ai.

Đó cũng là nguồn cơn dẫn đến những phản ứng gay gắt của người trong cuộc theo kiểu tự giải quyết theo luật riêng. Có chủ nhà chửi bới tài xế đỗ xe trước cửa nhà mình, có người thẳng tay viết vẽ bậy lên ôtô, thậm chí có người dùng cả sơn hay vật nhọn để phá hoại tài sản của người khác… Tất nhiên, những hành động trả đũa đó đều không được pháp luật cho phép và gia chủ đôi khi còn bị vạ lây vì hành động nóng giận mất kiểm soát của mình.

>> Tài xế bức xúc vì nhà mặt tiền treo biển ‘cấm đỗ xe’

Lo ngại bị xử phạt vì những rắc rối do người khác mang lại, không ít người nghĩ ra cách “đi trước đón đầu” như “đặt gạch” chiếm chỗ để ngăn người khác đỗ xe trước cửa nhà. Rất nhiều hộ dân mặt tiền đặt biển ‘cấm đậu xe’ trên đường trước nhà mình.

Nhưng đến mức tự ý lấy sơn kẻ vạch xí chỗ như trường hợp trên đây thì có lẽ mới lần đầu xuất hiện. Chắc chắn sẽ có người đứng về phía chủ nhà, thông cảm cho những bức xúc khi bị xe khác đỗ chắn cửa nhà nên mới làm vậy. Nhưng cũng sẽ có không ít cánh lái xe khó chịu với hành động chiếm dụng lòng đường làm cửa riêng như thế này.

Theo quy định pháp luật, chủ nhà không có quyền phân định lòng đường, bởi việc này thuộc thẩm quyền của Cơ quan quản lý đường bộ. Việc tự ý chiếm dụng lòng đường như trên rõ ràng là phạm luật. Theo Nghị định số 100/2013 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010) quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành vi sử dụng lòng đường trái phép sẽ bị xử phạt hành chính. Ngoài ra, hành vi lấn chiếm lòng đường trái phép gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị xứ lý hình sự theo Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Rõ ràng, xét về lý, hành vi trên là không thể chấp nhận được, nhưng ở một khía cạnh khác, đứng trên vị trí của những chủ nhà, họ phải làm gì để tự bảo vệ quyền lợi của mình trước những tài xế ngang ngược đỗ xe trước cửa nhà người khác với lý do “đường không cấm”?

Bảo Nam

>> Bạn làm gì khi bị ôtô đỗ chắn cửa? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *