Tự lập không phải chối bỏ trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ

Việc con cái không sống chung với cha mẹ, kết hôn hay độc thân, sinh con hay không, không gọi là tự lập mà là quyền tự do cá nhân.

Tôi không đồng tình với quan điểm ‘Muốn con tự sống từ 18 tuổi, hãy chấp nhận vào viện dưỡng lão’. Ở phương Tây, viện dưỡng lão là nơi người nghèo đến tuổi già cư ngụ. Người giàu chẳng việc gì phải vào viện dưỡng lão. Cần người chăm sóc, họ có thể thuê y tá, bác sĩ từ bệnh viện đến chăm sóc tại nhà, túc trực 24/7, bán thời gian hoặc hai, ba ngày một lần… tất cả đều có dịch vụ, có giá cả riêng (thường được chi trả bằng bảo hiểm).

Con cái ở phương Tây tự lập từ nhỏ. Trẻ sáu tuổi đã tự lo việc học; 12 tuổi tự chăm sóc bản thân, quét dọn phòng riêng; 18 tuổi tự đi đây đi đó, học hành nội trú với tiền cha mẹ cho; cho đến khi chúng tự tìm được việc làm, tự nuôi được bản thân. Còn việc không sống chung với cha mẹ, lấy vợ, lấy chồng hay độc thân, có con cái hay không, không gọi là tự lập mà là quyền tự do cá nhân. Thông thường, khi được giáo dục để tự lập từ nhỏ như vậy, rất ít người chịu sống chung với cha mẹ khi đã có việc làm và cũng có rất ít cha mẹ muốn con cái về ở với mình.

Con cái có ở chung, chăm sóc cha mẹ hay không, phụ thuộc bởi quyền thừa kế gia sản. Đứa con nào chăm sóc cha mẹ thì được phần to, không chăm sóc thì được phần nhỏ, thậm chí không có. Phương Tây cũng vậy, con cái không chăm sóc cha mẹ thì tiền bạc tài sản của cha mẹ chạy hết vào bệnh viện hoặc viện dưỡng lão. Càng lớn tuổi, tâm trí người già càng trở nên đơn giản, thậm chí nhiều khi không khác gì trẻ con. Ai tốt với mình thì bao nhiêu cũng cho, bất kể người đó là ai. Để người lạ chăm sóc, khi chia gia tài, con cái có khi chỉ được hưởng không đến một phần mười khoản thừa kế ấy.

Ở Tây Ban Nha, Italy, những gia đình tam đại đồng đường có rất nhiều. Những người già vào viện dưỡng lão phần nhiều là do thời trẻ họ tự chọn sống độc thân. Những người này chỉ vào viện dưỡng lão khi trí nhớ giảm sút, quên trước quên sau. Đa phần vẫn là vợ chồng già chăm sóc nhau, một người “đi” trước, người còn lại mới vào viện dưỡng lão. Do vậy, “muốn con tự sống từ 18 tuổi, hãy chấp nhận vào viện dưỡng lão” chỉ là cái nhìn của người độc thân, chưa có con cái.

>> Bạn nghĩ gì về quan điểm để con tự sống từ 18 tuổi? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Lâm

Những đứa trẻ 23 tuổi

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *