Tuổi 25 trăn trở sống hết mình hay để dành cho tương lai?

Nhiều bạn bè tôi chọn sống hết mình, hưởng thụ hết cỡ khi còn có thể vì tuổi trẻ không đến lần hai, nhưng sau tất cả họ có gì?

25 tuổi là cột mốc quan trong trong cuộc đời mỗi người. Đó là khi bàn vừa tốt nghiệp ra trường, chập chững nhưng bước đầu tiên vào cuộc đời đầy mới lạ và khó khăn phía trước. Tôi cũng từng là một người trẻ như vậy, bước vào độ tuổi 25 với nhiều băn khoăn, trăn trở cho con đường sắp tới của mình.

Bản thân tôi thấy có hai kiểu sống phổ biến nhất của người trẻ hiện nay: một số chọn sống hết mình theo phong cách YOLO (“you only live once” – bạn chỉ sống một lần); số khác lại chọn tiết kiệm, dự phòng cho tương lai sóng gió. Đứng giữa lằn ranh định hướng, tìm lối đi cho riêng mình, tôi cũng đã đặt ra câu hỏi cho bản thân: sống hưởng thụ, cháy hết mình; hay để dành để chuẩn bị cho tương lai khó lường phía trước?

Nhiều bạn bè của tôi chọn sống hết mình, hưởng thụ hết cỡ khi còn có thể vì tuổi trẻ không đến lần thứ hai. Họ chọn những ngành nghề, công việc mình yêu thích, đam mê, thay vì mải bận tâm tới những chuyện lương thưởng, cơ hội phát triển, triển vọng nghề nghiệp… Họ đơn giản là “thích và làm”, để trái tim dẫn dắt. Họ đi và trải nghiệm, tranh thủ thời gian để trau dồi kỹ năng, học những thứ mới và để bản thân tự do phát triển. Cuộc sống với họ là vô vàn những điều thú vị, nhiều thử thách và cũng lắm phiêu lưu. Thứ tài sản lớn nhất mà họ có được không phải tiền bạc mà là trải nghiệm.

Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra là sau tất cả những trải nghiệm đó, họ sẽ có gì để đối mặt với khó khăn trong tương lai? Đó là điều mà cha mẹ, họ hàng, những người lớn tuổi thường nói với tôi. Bạn cứ mải chạy theo những đam mê tuổi trẻ, không màng đến những điều bất trắc đang chờ đợi sau này. Để rồi, khi vấp ngã trên đường đời, bạn mất phương hướng, không biết bám víu vào đâu, và trôi tuột trên những thất bại, đén mức không thể gượng dậy nổi. Vậy phải chăng người trẻ nên biết tiết kiệm từ sớm?

>> Tiền nhiều để làm gì?

Trường học không bao giờ dạy bạn cách làm giàu, họ chỉ truyền cho bạn chuyên môn, kiến thức để bạn tự đi làm thuê, kinh doanh, hoặc thừa kế tài sản của cha mẹ. Trong khi cha mẹ thường chỉ dạy con cái cách tiết kiệm tiền mà không cho chúng biết dùng tiền thế nào cho đúng? Có một câu nói mà tôi rất tâm đắc: “Tôi không làm vì tiền, tiền bạc làm việc cho tôi”. Do đó, tôi luôn làm việc rất chăm chỉ mà không phải áp lực vì sếp khó tính, đồng nghiệp đố kỵ. Tôi làm việc để tiết kiệm, tiết kiệm để đầu tư, đầu tư để nâng cao IQ tài chính.

Đôi khi bạn phải sống hết mình giống như khi ngày mai là tận thế, tranh thủ thời gian, tuổi trẻ để khám phá, trải nghiệm, để không bao giờ phải hối tiếc với thanh xuân. Tuy nhiên, cũng đừng vì vậy mà quá mải mê chạy theo mộng tưởng. Hãy học cách tiết kiệm ngay từ bây giờ, tích lũy cho tương lai, bởi cẩn trọng không bao giờ là thừa. Không có lối sống nào là toàn diện, điều quan trọng là bạn cần sự cân bằng trong cuộc sống.

Giống như cái vòi nước có bên nóng, bên lạnh vầy. Những hôm trời lạnh bạn phải quay bên nóng cho ấm, những ngày hè thì mở bên lạnh cho mát mẻ. Sống chỉ tiết kiệm hay chỉ hưởng thụ, bạn sẽ không thể đạt tới sự cân bằng. Hãy học cách điều chỉnh cho phù hợp với từng hoàn cảnh và giai đoạn của cuộc đời. Khi ấy, bạn sẽ thấy hạnh phúc và không còn trăn trở với hướng đi của mình.

Hồ Vũ Minh

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *