Tuổi 30 tích lũy kinh nghiệm quan trọng hơn mua nhà, sắm xe

Mỗi người có hoàn cảnh và trải nghiệm khác nhau nên không phải ai cũng nhất thiết có nhà, xe ở tuổi 30.

Bài viết Những người tuổi 30 tay trắng nói về sự hoang mang của những người bước vào độ tuổi 30 nhưng chưa có tài sản và địa vị xã hội nhận được nhiều quan tâm.

Độc giả Phạm Duy Bình cho rằng bài viết cảnh tỉnh nhiều người không đặt mục tiêu cho bản thân phấn đấu từ lúc trẻ nhưng không nên áp đặt thành công ở tuổi 30: Bài viết này làm nghiều người buông thả phải suy nghĩ. Tôi cũng tuổi 30, may mắn có được vợ con, nhà cửa do tự tay mình xây dựng.

Nhưng ở tuổi 30 thì tôi nghĩ điều quan trọng nhất vẫn là tích lũy kinh nghiệm, chuyên môn, mối quan hệ vững chắc. Để so sánh hơn thua tiền bạc vật chất hay thành công ở tuổi này thật là chưa đúng.

Thời gian đi làm, va chạm tích lũy mới chỉ được 5-6 năm là mới bắt đầu hiểu sâu về chuyên môn. Mà mấy ai chọn đúng một nghề từ khi đi làm đâu, sự nghiệp phải 5 năm 10 năm – 15 năm mới thường giỏi để hái quả ngọt.

Độc giả longtruong0203 cho rằng tuổi 30 chỉ là tuổi đúc kết kinh nghiệm, mối quan hệ đã tích lũy và bắt đầu một giai đoạn mới cho sự nghiệp: Thành công không phân biệt tuổi tác già hay trẻ, nó sẽ có một thời gian nhất định trong chuỗi làm việc đi đôi với học hành, song đặt nặng vấn đề tuổi 30 là thành công thì thường là những bậc phụ huynh có khuynh hướng yếu kém về trí tuệ và tâm lý, họ sẽ dùng lý do thành công ở tuổi 30 để áp đặt lên đầu óc của những đứa trẻ.

>> Vợ chồng thu nhập 45 triệu đồng vẫn chông chênh tuổi 30

Đối với tôi 30 tuổi chưa phải là kết thúc sứ mệnh thành công cho chính bản thân mình mà nó chỉ là đúc kết những kiến thức, kinh nghiệm, nghiên cứu và trải nghiệm. Trong đời sống, có mấy ai thực sự sẽ thành công ở tuổi 30 đâu?

Nên nhớ là mỗi người mỗi trải nghiệm không bao giờ giống nhau, cũng không ai giống ai, cũng không ai khẳng định được tương lai và quá khứ làm thước đo cho sự thành công. Tuy nhiên, khi ta muốn đạt một điều gì đó thiết thực để ổn định và phát triển theo thời gian, ta phải nhận thức rằng phải đụng tay chân thì mới biết thất bại và thành đạt là chuyện thường tình, không ai mà không trải qua địa ngục và đau khổ

Độc giả thu thao pham phân loại:

Nếu 30 tuổi không có trong tay những thứ chuẩn mực như xã hội đặt ra nhưng bạn vẫn thấy vui vẻ hạnh phúc là do:

1/ Bạn không so sánh, một kiểu người hiếm có của xã hội.

2/ Bạn biết rõ con đường bước về phía ước mơ của bản thân.

3/ Bạn có một chỗ dựa tinh thần mà bạn tin tưởng.

Vậy thì mặc kệ hết mà sống tiếp. Loài người vốn là giống loài lạc quan nhất vũ trụ, đặt báo thức mỗi ngày dù biết chắc chắc rằng sáng mai mình sẽ thức dậy để tắt.
Còn nếu không thấy vui với hiện tại, một điều duy nhất bạn phải đặt ra trong đầu: phải thay đổi, chỉ cần nghĩ về điều đó thôi.

Độc giả nguyễn hữu tài:

Lấy tiêu chí có nhà và xe ở mốc 30 tuổi là thành công cho một người là quá phù phiếm. Việc này vô hình tạo ra một áp lực chung lên toàn xã hội trong việc đánh giá một người thành công.

>> 30 tuổi, tài sản 6 tỷ đồng nhưng tôi vẫn không yên tâm

Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy và cố gắng rất nhiều để có được nhà, xe… trước cả ngưỡng 30 tuổi, chỉ trong thời gian hai năm, nhưng khi đạt được nó tôi vẫn thấy trống rỗng. Và tôi đã kịp tỉnh ngộ ra thành công và hạnh phúc trong cuộc sống là khi mình có một mục tiêu dài hạn, một cái đích đến rõ ràng trong tương lai xa.

Và tôi đã tạm dừng tất cả dành ra gần hai năm để suy ngẫm và học rất nhiều kiến thức mới về lĩnh vực tôi yêu thích để kinh doanh lại từ đầu. Tôi thấy niềm vui ở trong đó chứ không phải như lúc kinh doanh lần đầu tôi chỉ chăm chăm vào con số lợi nhuận và buồn chán mỗi khi nó không cao.

Tôi đã hiểu kinh doanh là phải có hai thứ: bạn hạnh phúc và có lợi nhuận. Hạnh phúc ở đây không phải vì lợi nhuận mà hạnh phúc vì mình được làm công việc yêu thích và và lợi nhuận đến sau đó.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Hữu Nghị tổng hợp

Tôi sống tẻ nhạt dù không thiếu thốn tiền bạc

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *