Tuyển Việt Nam có dám chơi tấn công trước Nhật Bản?

“Chơi phòng ngự co cụm, chuyền sai và để mất bóng nhiều… đó là hình ảnh mà NHM không muốn thấy lại ở đội tuyển Việt Nam trước Nhật Bản”.

Trước cuộc tiếp đón đội tuyển Nhật Bản trên sân Mỹ Đình trong khuôn khổ Vòng loại thứ ba World Cup 2022, nhiều độc giả hy vọng vào một sự thay đổi trong lối chơi của đội tuyển Việt Nam để tìm kiếm cơ hội làm nên bất ngờ:

Độc giả Nguyễn Đức Trí chia sẻ: “Cái mà người hâm mộ mong chờ là một lối đá đẹp mắt, thanh thoát, chứ không phải kiểu lóng ngóng, ban bật ở cự ly gần như các trận vừa qua. Từ đầu giải đến giờ là hình ảnh một đội tuyển thi đấu co cụm, để mất bóng quá nhiều, có quá nhiều đường chuyền sai, cự ly đội hình quá gần. Trong khi thể lực không bằng người ta, cộng với sự rườm rà trong lối đá của chúng ta khiến các đối thủ dễ dàng bắt bài, đá áp sát, làm cho lối đá của ta vỡ vụn. Cứ đá như vậy thì có đá 10 trận nữa chúng ta vẫn cứ thua tan nát. Muốn gây áp lực lên đối thủ, Việt Nam phải có những đường chuyền tốt để gây sức ép lên hậu vệ đối phương, còn việc có ghi bàn được hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Có như vậy đối thủ mới phải thận trọng hơn trong các pha lên bóng và sẽ giúp cho ta dễ đá hơn”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Viet Hung phân tích: “Đằng nào đội tuyển Việt Nam cũng rất khó có cơ hội vượt qua được vòng loại thứ ba, vậy thì chúng ta chơi co cụm, phòng ngự để làm gì? Tại sao chúng ta không mạnh dạn chơi tấn công đẹp mắt ngay từ đầu trận? Khi đó, cầu thủ của ta còn sung sức, chỉ cần cố gắng ghi bàn trước, sau đó lui về chơi phòng ngự phản công là được. Muốn đá World Cup, chúng ta phải biết cách ghi bàn vào lưới đối phương. Phòng ngự tiêu cực như bốn trận vừa qua sẽ rất khó có điểm. Cố gắng chơi pressing được cả hai hiệp, ta mới đủ sức đá World Cup”.

“Việt Nam mà đá sòng phẳng với Nhật Bản thì sẽ có hy vọng thắng. Đội bóng của chúng ta rất mạnh ở hàng công với nhiều ngôi sao. Thế nên, hãy lấy công bù thủ, gây áp lực bên phía sân đối thủ, để từ đó tìm kiếm nhiều cơ hội. Nếu cứ đã co cụm về phỏng thủ thì kết quả sẽ lại như các trận trước. Chỉ có gây áp lực ở phần sân đội bạn, chúng ta mới giảm tải áp lực cho hàng thủ đội nhà và tìm cơ hội giành kết quả tốt nhất”, độc giả Người Phán Xét nói thêm.

>> Tuyển Việt Nam phòng ngự ngày càng tệ

Việt Nam đứng cuối bảng sau khi thua Saudi Arabia, Australia, Trung Quốc và Oman. Nhật Bản được đánh giá cao nhất bảng, nhưng cũng đang khó khăn. Họ bất ngờ thua Oman và Saudi Arabia, và mới giành sáu điểm qua bốn trận đầu tiên, xếp thứ tư. Các cầu thủ Nhật Bản sẽ gặp chút bất lợi trước trận đấu này khi không có nhiều thời gian để làm quen khí hậu và sân bãi. Trước phong độ không tốt của đoàn quân HLV Hajime Moriyasu, nhiều người hâm mộ Việt Nam kỳ vọng vào một kết quả bất ngờ.

Tuy nhiên, số khác cổ động viên cho rằng, tâm lý háo thắng, dồn đội hình lên chơi tấn công trước Nhật Bản sẽ là một sai lầm lớn:

Bạn đọc Mai Quốc Huy nhấn mạnh: “Tự tin là điều tốt, nhưng khoảng cách trình độ của hai đội còn rất lớn. Nếu chúng ta đá sòng phẳng với Nhật Bản thì khả năng thua ít nhất hai bàn là rất cao. Muốn đá sòng phẳng với Nhật cũng rất khó vì khi vào trận, chúng ta chắc chắn sẽ bị dồn ép, nên buộc phải phòng ngự tối đa và rình rập chờ cơ hội phản công. Nếu thủ tốt thì khả năng hòa và thua cách biệt một bàn sẽ cao hơn. Còn không, vào một ngày đẹp trời, may mắn hội tụ, thì Việt Nam sẽ có cửa thắng Nhật một bàn”.

Cùng chung quan điểm, độc giả Akashi Hidetoshi cho rằng: “Nhiều người nghĩ rằng cứ đôi công với Nhật Bản là có thể chắc chắn chọc thủng lưới của họ. Nhưng hàng công Việt Nam làm sao xuyên thủng được mảnh lưới của đối thủ nếu chơi đôi công? Tỷ lệ thành công rõ ràng quá thấp. Chỉ sợ rằng, nếu dâng cao đội hình, chúng ta sẽ vỡ trận với sáu, bảy bàn thua. Phòng ngự phản công là điều mà mọi đội bóng nhỏ luôn làm trước đội bóng lớn. Trình độ V-League không thể so sánh với đẳng cấp của các cầu thủ châu Âu, nên nếu không dùng số đông để phòng ngự thì làm sao rút ngắn khoảng cách về trình độ với thế giới?”.

Nhấn mạnh yếu tố quyết định đến thành bại của đội tuyển Việt Nam trong trận cầu này, bạn đọc Bui Louis nêu quan điểm: “Cầu thủ nào, đội bóng nào cũng muốn tấn công, cũng muốn cầm bóng và lao lên áp đảo đối phương hết. Tuy nhiên, chênh lệch trình độ cá nhân từng cầu thủ và tính tổ chức của cả đội bóng nên những đội yếu không thể cầm bóng được, không thể đá đôi công lại các đội mạnh. Vì khả năng chuyền lỗi, chuyền sai, bị cướp bóng, tốc độ, chạy chỗ, khả năng phối hợp đều thua kém đội mạnh nên cứ lao lên thì như thiêu thân lao vào để mất bóng thì sẽ chỉ nhận lại những bàn thua. Đá đôi công với Nhật cả trận, chúng ta sẽ thua đậm. Đá phòng thủ, chờ cơ hội hoặc chờ đối thủ sai lầm để phản công mới là lối chơi thông minh”.

Thành Lê tổng hợp

>> Bạn muốn đội tuyển Việt Nam chơi tấn công hay phòng thủ? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *