Vaccine Covid-19 tại Mỹ – nước xa khó cứu lửa gần

Cả năm 2020, các biện pháp hạn chế dịch như giãn cách và đeo khẩu trang bị hầu hết người Mỹ xem nhẹ, nay họ lại hy vọng vào vaccine.

Luật sư Khanh Huỳnh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về dịch Covid-19 tại đất nước này:

Sáng hôm nay, tôi thức dậy và đọc tin miền Nam California sẽ đi vào một lượt phong tỏa mới kéo dài 3 tuần, bắt đầu vào tối nay. Thống đốc tiểu bang đã ra lệnh vào hôm trước rằng: nếu số giường bệnh chăm sóc tích cực còn trống trong vùng xuống dưới 15% tổng số giường có sẵn thì sẽ phong tỏa.

Đó là ở California, nơi mà bệnh viện vẫn chưa thực sự quá tải. Ở các tiểu bang khác, tình hình tệ hơn nhiều. Ở El Paso, tiểu bang Texas, bệnh viện quá tải từ lâu, người bệnh tràn ra bên ngoài, y tá bác sĩ chăm sóc không nổi.

Mỗi bang có cách đối phó khác nhau. Tiểu bang California tích cực bậc nhất nhưng cũng có những tiểu bang chả buồn làm gì, chỉ khuyến khích người dân đeo khẩu trang và mọi thứ còn lại cứ để yên. Hôm trước, có người ở Texas khoe với tôi chỗ họ mọi thứ như thường, tiệm làm móng vẫn mở, người Việt đâu có thất nghiệp. Tôi cũng không rõ họ ở thành phố nào và hiện giờ bệnh viện nơi đó như thế nào.

>> Nhiều thanh niên Mỹ vẫn tụ tập ‘ngu ngốc’

Còn chính phủ liên bang đang làm gì? Câu trả lời hình như là không gì cả. Chánh văn phòng Nhà Trắng triệu tập Giám đốc FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) tới để hỏi là vì sao chưa cấp phép cho vaccine trong khi Anh đã làm như vậy. Tiến sĩ Fauci phân bua là FDA phải theo đúng quy trình, coi xét toàn bộ dữ liệu hồ sơ được công ty chế tạo vaccine nộp lên chứ họ đâu có đốt cháy giai đoạn. Thật ra thì vaccine hiện giờ với Mỹ cũng giống như nước xa không cứu được lửa gần. Nếu may mắn, cuối năm nay Mỹ sẽ tiêm xong cho các nhân viên y tế và các cư dân trong viện dưỡng lão. Còn từ nay cho tới cuối năm những người còn lại ráng chịu.

Các biện pháp phòng chống Covid thật ra khá hạn chế và người Mỹ đã bỏ qua hầu hết mọi thứ. Tình hình dịch ở Mỹ “te tua”. Lúc này thì chỉ có giãn cách xã hội tuyệt đối và đeo khẩu trang thì mới giảm bớt mà thôi. Trên thực tế vào ngày lễ Tạ Ơn, 50 triệu người Mỹ vẫn đi xa về nhà thăm nhau, máy bay hoạt động, bạn tôi vẫn đi trượt tuyết và ai nấy vẫn vui vẻ, ít nhất là cho tới khi họ bị bệnh.

Ông Biden đang bận bù đầu với mớ công việc trong thời kỳ chuyển giao quyền lực. Trong ngày lễ Tạ Ơn, ông Biden có phát biểu đề nghị người dân đừng tụ tập, đừng đi thăm nhau và đeo khẩu trang. Gần đây ông lại nói rằng sau khi nhậm chức ông sẽ kêu gọi đeo khẩu trang trong vòng 100 ngày. Kể cũng khổ, các nước châu Á họ đeo khẩu trang từ lâu, đeo từ hồi đầu dịch tới giờ và chả ai phàn nàn gì cả. Trong khi người Mỹ không chịu phong tỏa ngay từ đầu rồi lại chống mọi thứ, kể cả đeo khẩu trang là thứ không khó khăn gì. Để rồi cả nước phải hứng chịu những ngày cực kỳ đen tối.

Vaccine là hy vọng thực tế nhất cho Mỹ vào lúc này. Mặc dù vậy, làm sao để sản xuất đủ vaccine và tiêm hết cho dân mới là thử thách lớn nhất. Không ai có thể phủ nhận rằng, vào thời điểm này, Mỹ sẽ chỉ lo cho người Mỹ trước, những nước khác sẽ phải tự thân vận động. Nỗi lo về việc các nước nghèo bị “chà đạp” trong cuộc đua phân phối vaccine hoàn toàn không xuất hiện trên truyền thông Mỹ.

>> Nhiều người Mỹ lại trả giá đắt vì coi thường giãn cách xã hội

Không hiểu lúc này ông Biden đang nghĩ gì. Tôi đang nhớ lại những ngày đầu năm 2009, khi cuộc khủng hoảng kinh tế đang ở đỉnh điểm và ông Obama nhậm chức, ông Biden khi đấy đã phải làm việc vất vả để thông qua gói cứu hộ kinh tế và vực dậy nền kinh tế Mỹ. Có lẽ lúc đăng ký tranh cử tổng thống lần này, ông Biden cũng không thể tưởng tượng rằng một lần nữa mình lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trầm trọng khác.

Còn mỗi người dân Mỹ vẫn như cũ. Họ chỉ quan tâm tới những gì đang diễn ra với mình. Kể cũng buồn cười, tôi có quen một số người Việt Nam trước giờ ủng hộ ông Trump. Gần đây họ lại quay ra ghét ông Trump, nguyên nhân là vì… họ vừa thất nghiệp do ảnh hưởng Covid-19. Phải chi người Mỹ nào cũng nhìn mọi thứ theo đại cục và chịu đeo khẩu trang và giãn cách xã hội từ lúc đầu thì có lẽ dịch đã không tiêu cực thế này.

Khanh Huỳnh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Mỹ sẽ trị tội những kẻ có lỗi về Covid-19 kiểu gì

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *