Vì sao không có Conan, Sherlock Holmes của người Việt?

Chủ đề trinh thám là mảnh đất màu mỡ nhưng chưa ai khai thác mà chỉ quanh quẩn giang hồ mạng, xã hội đen.

Trong một diễn đàn về sách truyện, một bạn trẻ đặt câu hỏi: Người Việt mê đọc truyện trinh thám nhưng tại sao không có nhà văn, tác giả nào sáng tạo được một nhân vật thám tử nào nổi tiếng giống như Sherlock Holmes của Anh hay Conan của Nhật Bản?

Theo tôi đây là một câu hỏi khá thú vị trong thời điểm mấy ngày qua, một số người đã bàn bạc về chuyện phim giang hồ. Chủ đề tội phạm và trinh thám luôn thu hút được sự quan tâm của người xem dù tác phẩm thể hiện ở bất cứ hình thức nào như tiểu thuyết, truyện tranh hay phim ảnh.

Nhiều bạn đọc trẻ ở Việt Nam cũng say mê và đắm chìm với dòng văn học trinh thám với các vụ án ly kỳ, những anh chàng thám tử tài ba, mưu trí. Nhưng tiếc thay, phần lớn (nếu không nói hầu như) những tác phẩm này đến từ nước ngoài.

Kinh điển nhất có lẽ là hình tượng thám tử Sherlock Holmes của Conan Doyle, Hercule Poirot của tác giả Agatha Christie…cho đến những tác phẩm gần đây mới được xuất bản, với những nhân vật mang phong cách Á Đông gần gũi và bối cảnh hiện đại hơn như Pháp y Tần Minh (Trung Quốc)…

>> Khi vợ mua ma tuý hãm hại chồng như trong phim

Nếu chịu khó tìm hiểu kỹ, chúng ta từng có một nhân vật thám tử với những serie phá án đó là Thám tử Kỳ Phát của tác giả Phạm Cao Củng. Nhân vật và tác phẩm này được ra đời từ thập niên 1930-1940, một nhà xuất bản mới đây cũng đã cho in ấn và phát hành lại bộ truyện này. Nhưng dường như giới trẻ, người đọc thờ ơ và không bị hấp dẫn lắm bởi tác phẩm này.

Đọc một số bình luận, tôi nhận thấy có nhiều quan điểm đến từ nhiều người khác nhau nhưng có thể tóm gọn lại trong ba ý chính:

Thứ nhất, thiếu chất liệu từ đời sống thực tiễn. Để diễn giải ý này, một số người dẫn chứng rằng các vụ án ở ta diễn ra một cách tình cờ, xuất phát từ một mâu thuẫn nào đó như mượn tiền không trả, ghen tuông…và thường diễn ra đơn giản, không cầu kỳ nên người viết bị thiếu chất liệu. Nếu tác giả bắt tay vào sáng tác dựa trên câu chuyện có thực thì sẽ hụt hơi, tác phẩm bị cụt lủn.

Thứ hai, truyện trinh thám cần trí tưởng tượng cao, kế đó là đòi hỏi người viết liên kết sự việc, hành động của nhân vật phải ở mức logic nhất có thể. Các tác giả, nhà văn của chúng ta lại càng hụt hơi và “yếu” khi theo đuổi đề tài này.

Trong khi một tác phẩm văn học trinh thám cũng chính là một bản nghiên cứu khoa học tỉ mỉ. Đó là nghiên cứu về hành vi – tâm lý tội phạm, tốn nhiều công sức để xây dựng nhân vật. Vậy nên đến nay, mảng trinh thám coi như lép vế hoàn toàn so với thế giới.

Thứ ba, chính vì phải đầu tư nhiều nên các tác giả sợ khi tác phẩm thất bại, không bán được sẽ lỗ.

>> 12 tuổi ‘nổi loạn’ vì xem phim giang hồ Youtube

Theo tôi, những nguyên nhân trên có phần đúng và phần sai. Chúng ta không thiếu những vụ án có tính chất ly kỳ, phức tạp đã xảy ra ngoài đời thực. Nếu chịu khó dụng công vất vả nghiên cứu hàng ngàn hồ sơ, bản án…thì thế nào cũng tìm được chất liệu để sáng tác mà thôi.

Quan trọng là có làm hay không. Vả lại các tác phẩm như Conan, Sherlock Holmes thì phần lớn nội dung cũng dựa vào trí tưởng tượng và kiến thức của tác giả, sáng tạo ra chứ cũng đâu có ăn sẵn hoàn toàn từ đời thực? Bấy lâu nay, chúng ta chỉ quen mặt và quen đọc những tác giả quen tay viết những tiểu thuyết ngôn tình sến sẩm, những bài tản văn và thơ… thẩn. Vậy nên khi đụng đến đề tài trinh thám có vẻ khó xơi thì chẳng ai dám động vào chăng?

Tôi nghĩ rằng thay vì để giới trẻ xem các clip hài nhảm, phim giang hồ mạng trôi nổi trên Youtube thì nếu ta chủ động làm phim, sáng tác truyện chủ đề trinh thám với những vụ án, cách phá án ly kỳ, lồng ghép những thông điệp sâu sắc về cuộc sống, giữa thiện và ác, giữa chính và tà, cái thiện chiến thắng cái ác sẽ tốt hơn nhiều.

Và đến đây, tôi lại hy vọng sớm có những người làm việc này.

Minh Quân

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *