Vì sao nhiều người Việt thích bài Happy New Year ‘buồn thảm’

Họ thích Happy New Year của ABBA cũng như ‘xuân này con không về’.

Hồi còn ở Việt Nam, cái tết đến với tôi theo một trình tự. Đầu tiên là nhạc xuân được các quán cà phê dọc đường bật lên vào khoảng đầu tháng Chạp. Tiếp theo là ngày rằm tháng Chạp, ba tôi bảo các con đi nhặt lá mai. Rồi tới Tết ông Táo và sau đó thực sự là cái Tết.

Nhà tôi cũng có một quán cà phê và vì vậy “tuyển tập” nhạc xuân của chúng tôi nhất định không thể thua ai. Mấy chục bài nhạc xuân bằng tiếng việt, từ cổ xưa tới “tân thời”, từ rộn ràng tới trầm lắng, từ nhạc Việt tới nhạc Hoa, nhạc Nhật. Và tất nhiên, có cả bài Happy New Year của ABBA. Phong trào mà, người ta có mà mình không có thì buôn bán gì.

Thật ra ở miền quê sông nước, bài hát Happy New Year mới trở nên phổ biến hơn từ những năm giữa thập niên 90. Tôi nhớ rất rõ là đài truyền hình tỉnh tôi ngày tết thường hay bật bài này mỗi khi chuyển giao tiết mục. Tôi học tiếng Anh từ nhỏ và vào lúc đấy tôi biết hết cả lời bài hát, đồng thời hiểu luôn rằng bài này mang âm điệu buồn. Nhưng không sao, người ta hát thì mình cũng hát, với lại cái buồn ngày xuân nó đâu của riêng ai, thậm chí còn không của riêng nước nào.

>> ‘Đừng để vòng lặp kiết kiệm – tiêu xài khi về quê ăn Tết’

Bài nhạc xuân yêu thích của tôi là bài Mùa hoa anh đào, nhạc Nhật được viết lại lời Việt và tiếng hát mà tôi yêu thích nhất là giọng ca Ngọc Lan. Bài hát man mác buồn, nhưng mấy bài nhạc xuân của Việt Nam cũng có lắm bài buồn. Ví như Câu chuyện đầu năm (qua một năm ruột rối tơ tằm).

Nhưng vui buồn đủ kiểu, tất cả đều phải đưa ra. “Thực khách” ở quán cà phê nhà tôi cũng như cái xã hội thu nhỏ với đủ nhu cầu cảm xúc khác nhau, chúng tôi là ai mà dám khuyên người khác là không nên nghe nhạc buồn thảm?

Rồi tôi rời Việt Nam và sống cuộc đời xa xứ. Sau khi đã ăn gần hai chục cái tết xa quê, tôi vẫn kiên trì với thói quen cũ. Đầu tháng Chạp, bật nhạc xuân. Rằm tháng chạp, tôi nhìn mặt trăng sáng hơn đèn đường và nhớ về người cha nhân từ bảo các con đi nhặt lá mai như một niềm vui hiếm hoi ngày tết. Tết ông Táo thì mâm cúng của tôi cũng như của mẹ ngày xưa.

Và tuyển tập nhạc xuân của tôi cũng vậy. Ngày trước là băng đĩa mua từ Việt Nam sang. Sau này là nhạc Ngày tết quê em tới Con bướm xuân cho thật rộn rã, cho tới nhiều bài trầm lắng.

Happy New Year lẫn trong đó, được chấp nhận như một nét chấm phá trong bức tranh nhạc xuân của quê hương. Dù sống ở Mỹ, nơi nhạc tiếng Anh thống trị bức tranh âm nhạc, Happy New Year chưa bao giờ có chỗ đứng trong nhạc năm mới nơi đây. Thay vào đó, bài hát lại trở thành một phần của cái tết Việt Nam trong tôi.

Tết năm nay, nhiều người Việt lại lôi bài Happy New Year ra mổ xẻ, cứ như thể bao người Việt Nam không biết tiếng Anh hay ý nghĩa của bài hát này đấy. Dù bây giờ đã vào tháng Chạp gần cả tuần nhưng tôi vẫn quyết tâm chưa bật nhạc xuân, quyết không nghe bài Happy New Year “buồn thảm” nọ. Bởi vì ngày tết năm nay ở Mỹ sẽ rất buồn thảm.

Tết Việt ở Mỹ năm nay sẽ không có hội chợ, không có chợ tết, không có múa lân, không có đi chùa. Thậm chí niềm vui nhỏ nhoi là được ăn bữa cơm với thịt kho canh khổ qua cùng mẹ – vốn sống cách tôi hai cây số, cũng sẽ không có. Lệnh phong tỏa do dịch bệnh vẫn còn hiệu lực, mà có dỡ đi thì cũng tôi cũng không dám làm liều, nhất là khi bao nhiêu người quanh tôi, từ nổi tiếng tới bình thường, đã ra đi hay ốm nặng vì “con Covid”.

>> ‘Đừng cố về quê ăn Tết sau một năm Covid buồn’

Người Việt vốn có tâm hồn phong phú và hay trải nghiệm mọi thứ với đủ cung bậc tình cảm. Cái Tết cũng vậy, người Việt không chỉ nói về niềm vui mà còn nói về nỗi khổ, từ chuyện về nội hay về ngoại, chuyện thu xếp tài chính và cả những kỷ niệm bồi hồi năm xưa. Vì vậy những bản nhạc xuân buồn vẫn có chỗ đứng trong lòng người Việt. Happy New Year cũng tham dự vào cái tết Việt cùng Xuân này con không về. Sao không ai phàn nàn gì về mấy bài hát xuân Việt buồn bã vậy nhỉ?

Đã đến lúc người Việt để yên cho cảm xúc của mình và cảm xúc của người khác được tự do. Áp đặt cảm xúc của mình lên người khác là một điểm dở tệ của nhiều người Việt mà cái tết là thời điểm thói quen này bùng phát. Ép người khác uống rượu ngày xuân, lôi vợ về quê ăn tết hết năm này tới năm khác là những biểu hiện rõ ràng của thói quen xấu này.

Bài hát Happy New Year cũng là một nạn nhân của thói quen áp đặt cảm xúc của người Việt. Ai thích kệ họ, bản thân ta không thích thì thôi, sao lại cứ nhất quyết áp đặt cảm nhận của mình lên người khác làm chi. Thay vào đó, chúng ta hãy để yên cho nhau được ăn một cái tết yên bình.

Khanh Huỳnh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Vợ chồng tôi 15 năm ăn Tết nhà nội nhà ngoại

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *