Vì sao thừa thịt heo nhưng giá bán vẫn đắt?

Giá thu mua của thương lái tại chuồng chưa đến 30.000 đồng một kg, nhưng người dân vẫn phải mua thịt heo ngoài chợ đắt hơn trăm nghìn đồng.

Ước tính của Cục Chăn nuôi cho thấy, số heo quá lứa xuất chuồng nhưng chưa bán được là khoảng 8 triệu con, tương đương 30% tổng sản lượng. Trong khi, thịt lợn nhập khẩu tám tháng năm 2021 lên tới 257.000 tấn, trị giá đạt hơn 508 triệu USD, tăng 62% về lượng và tăng 84% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Với lượng tồn đọng heo quá lứa đang khá cao, phải mất ba tháng nữa mới có thể giải quyết xong. Điều này sẽ khiến người chăn nuôi sẽ không tái đàn nhiều. Do đó, cuộc “khủng hoảng ngược” so với hiện tại là nguy cơ thiếu thịt heo vào tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán.

Hiện, thương lái đã đi thu mua heo trở lại nhưng ở mỗi chuồng, họ chỉ bắt khoảng 30-40% trong tổng lượng heo cần bán. Với heo quá lứa, cỡ 120-150 kg một con họ không mua dù giá thấp chỉ 28.000-30.000 đồng một kg. Các chuyên gia dự báo giá heo sẽ tiếp tục rớt trong vài tuần tới khi nguồn hàng tồn đọng lớn chưa được tiêu thụ, thương lái ép giá.

Tuy nhiên, thực tế ngoài thị trường theo quan sát của tôi lại hoàn toàn khác. Tôi ra chợ thì thấy giá thịt heo vẫn rất cao, gần như không thấy giảm dù các phương tiện truyền thông ra rả chuyện thịt heo hạ giá. Mới hôm rồi tôi vẫn phải mua với giá hơn 100.000 đồng một kg thịt ba chỉ, tức gấp bốn lần so với giá mà thương lái đang thu mua. Tôi còn biết nhiều nơi họ bán tới gần 200.000 đồng một kg thịt heo. Vậy giá này từ đâu mà ra? Sao lại có sự chênh lệch giá lớn như vậy?

>> Nhà tôi ăn Tết bằng gà, bò, tôm, cá thay thịt heo

Trong khi người chăn nuôi than trời vì bị thương lái ép giá mà vẫn ế hàng thì người tiêu dùng lại đang phải trả một số tiền đắt gấp nhiều lần giá thu mua từ tay nông dân. Nghịch lý này đang khiến cả hai đối tượng trên phải chịu thiệt thòi, chỉ có thương lái đứng giữa hưởng lợi lớn.

Ngành nông nghiệp của chúng ta bấy lâu nay vẫn cứ phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, thương thì ít mà lái thì nhiều. Nếu các nhà quản lý không sớm tìm ra biện pháp kết nối giữa người chăn nuôi, trồng trọt với người tiêu dùng để rút ngắn quãng đường và chi phí, e rằng chuyện nông dân bị ép giá, còn người tiêu dùng bị đội giá xem ra còn lâu mới hết được.

Thu Hằng Trịnh

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *