‘Việt hóa’ tên riêng nước ngoài

Những kiểu phiên âm Lốt An-giơ-lét, Niu I-oóc, Anh-xtanh, Niu-tơn… không những gây sai lệnh thông tin mà còn khiến tiếng Việt vốn trong sáng trở nên tối nghĩa hơn.

Xung quanh cuộc tranh cãi nê phiên âm tên nước ngoài thế nào trong tiếng Việt, tôi nhớ lại mình cũng từng trải qua sự hoang mang như vậy. Về cơ bản, cái bất cập nhất trong việc viết phiên âm thuần Việt là khó tra cứu.

Tôi có đọc một trang Sách giáo khoa Địa lý và thấy một loạt các địa danh như Lốt An-giơ-lét, Bu-ê-nôt Ai-rét, Oa-sinh-tơn hay Niu I-oóc… thậm chí như sách giáo khoa Vật lý cũng có những Anh-xtanh, Niu-tơn, Ác-si-mét… nghe quen mà lạ, gây rối thông tin. Thực ra, những cái tên địa danh, vĩ nhân nổi tiếng trên, nếu nói ra thì ai cũng biết, nhưng chính vì phiên âm theo cách đọc, cách viết tiếng Việt lại khiến người ta phải đi tra cứu lại từng từ. Oái oăm hơn, có những địa danh như Nip-pơ (Nippur), tra trên công cụ tìm kiếm khổng lồ là Google cũng không ra kết quả.

Rõ ràng, sự khác biệt về thông tin giữa đời sống và sách giáo khoa là một khuyết điểm không hề nhỏ của việc phiên âm. Đây sẽ là một sự đứt gãy thông tin nếu cả những thứ vốn khá vạn năng như Google cũng còn không biết đó là gì?

>> ‘Tiếng Việt lệch chuẩn vì nhiều người thích phát âm dễ dãi’

PGS. TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt – Ngữ Văn, bộ sách “Kết nối Tri thức với cuộc sống”, chương trình Sách giáo khoa mới, có nói: “Khi biên soạn Sách giáo khoa mới, chúng tôi rất muốn khắc phục bằng một giải pháp căn bản hơn, khoa học hơn. Rất tiếc quy định chính tả hiện nay của các cơ quan chức năng khiến cho ý muốn đó không thực hiện được. Tất cả tên riêng nước ngoài trong Sách giáo khoa mới đều phải viết dưới hình thức phiên âm tiếng Việt, kể cả sách cho học sinh trung học, nên đã bất cập lại càng bất cập hơn”. Tôi đồng tình với nhận định này.

Có thể thấy rằng, chính trong nội bộ việc biên tập sách, người ta cũng thấy rất nhiều bất cập khi biên soạn kiểu phiên âm theo cách đọc, cách viết tiếng Việt. Trẻ từ lớp 1 đã học tiếng Anh, dân trí nước ta đã cao hơn và tỷ lệ người biết đọc tên riêng nước ngoài cũng không còn ít nữa. Vì thế, quy trình cũng nên thay đổi để cha mẹ không phải hỏi Google mỗi khi chỉ bài cho con em. Và thế hệ trẻ chúng ta cũng không phải một tay đọc sử, một tay tra điện thoại, để rồi cũng không biết đối tượng cần biết là gì?

Học là một quá trình tiếp nhận, xứ lý và sử dụng thông tin, cái gì cản trở quá trình này thì nên thay đổi. Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chứ đừng “Việt hóa” những tên riêng không phải của mình, không những gây sai lệnh thông tin mà còn khiến tiếng Việt vốn trong sáng trở nên tối nghĩa với thế hệ sau này.

Tuân Hầm

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *