Xem xét tước chứng chỉ hành nghề y bác sĩ bỏ việc

‘Công việc này quá vất vả, hằng ngày tiếp xúc với bệnh tật, nguy cơ lây nhiễm và luôn áp lực, nhưng đổi lại là lương quá thấp’.

“Cần phải có quy định biểu dương, khen thưởng kịp thời với các cá nhân có thành tích xuất sắc. Tuy nhiên, cũng phải có chế tài xử lý những y bác sĩ tự ý bỏ việc lúc này, vì nếu ai cũng sợ cả thì chắc chắn không có đủ lực lượng y tế để chữa bệnh cho người dân. Hãy nghĩ cho kỹ, nếu tôi bỏ việc 5-6 tháng, chờ đến khi dịch bệnh lắng xuống vẫn xin làm việc lại bình thường được thì tội gì tôi lao vào nguy hiểm? Nếu vậy, lấy ai để chữa bệnh khi bệnh nhân ngày càng tăng? Vì vậy, cần có chế tài hành chính để tránh tình trạng y bác sĩ đồng loạt ngừng công việc”.

Đó là quan điểm của độc giả Mai Ngọc xung quanh thông tin Bộ Y tế lo lắng về chuyện y, bác sĩ bỏ việc và đang ‘xem xét biện pháp kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề‘ trước tình trạng một số nhân viên y tế tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được phân công.

Bạn đọc Thuy Phamngoc nêu quan điểm: “Những ai làm việc tốt, có thành tích nên được biểu dương, khen thưởng xứng đáng. Còn những ai tự ý bỏ việc sẽ phải bị kỷ luật. Không thể viện lý do ‘mệt mỏi kéo dài, phụ cấp không cao’, để bỏ vị trí lúc dịch bệnh. Nhân viên y tế trong lúc này quan trọng không kém các chiến sĩ lúc ra trận, nếu viện lý do để đào ngũ thì cục diện sẽ ra sao? Việc huy động tổng lực nhân sự y tế lúc này không cho phép bất kỳ ai lẩn trốn trách nhiệm với nhân dân”.

>> Nữ bác sĩ bỏ thi thạc sĩ về chống dịch Covid-19

Theo thống kê của Công đoàn Y tế Việt Nam, từ đầu đại dịch năm 2020 tới ngày 9/8, có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm khi làm việc, ba người tử vong gồm hai tại TP HCM, một Bình Dương, trong cuộc chiến chống Covid-19. Đến nay, hơn 16.000 y bác sĩ từ miền Bắc, Trung đã vào tâm dịch phía Nam chi viện. Ngoài đối mặt với lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi bệnh nhân quá đông, trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, máy móc, đồ bảo hộ; ăn uống, ngủ nghỉ qua loa…

Nói về những khó khăn, vất vả của lực lượng y bác sĩ trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, độc giả Tôi chia sẻ: “Chị gái tôi là cán bộ y tế của một trường Tiểu học. Từ lúc quê có dịch, Bộ Y tế kêu gọi nhân viên đi làm công tác chống dịch. Chị có con gái mới tròn một tuổi, chồng làm nhân viên bưu điện. Chị đi làm và không được về nhà, thân phụ nữ tối phải về trường học ngủ một mình ròng rã ba tháng qua. Trong khi đó, chồng làm nhân viên bưu điện nên cũng không được về với con. Thế là con phải gửi về ngoại. Hơn hai tháng nay, gia đình ba người, mỗi kẻ một nơi. Nếu chị không tham gia chống dịch theo thì sẽ bị xem xét thu chứng chỉ hành nghề. Giờ tham gia rồi, chịchưa biết ngày về.”.

Là một nhân viên y tế đang tham gia chống dịch, bạn đọc Pham Phuong Dung bày tỏ: “Tôi đang đi chống dịch và mỗi buổi sáng phải ăn mì gói vì không ăn nổi suất ăn mà bệnh viện thuê bên ngoài cung cấp. Buổi trưa, buổi chiều, tôi phải ăn cơm với canh không vì món mặn quá tệ (thịt, cá bị hôi). Mỗi ngày, tôi chỉ mong chờ có ai đó có lòng hảo tâm, nấu đồ ăn ủng hộ nhân viên thì hôm đó mới ăn ngon miệng được. Trong khi đó, đồng lương chỉ nhỏ giọt, dù tôi chưa cần xài tiền nhưng cũng phải trả nợ ngân hàng, làm nghĩa vụ với ba mẹ. Mỗi lần mẹ hỏi tôi ‘ăn uống ra sao?’, tôi vẫn phải cố tỏ ra mọi thứ đủ đầy, cơm ngon canh ngọt để người nhà khỏi lo lắng”.

Đồng cảm với những khó khăn của các y bác sĩ trong mùa dịch, độc giả Mkoi54 chia sẻ: “Tôi cũng có vợ làm ở bệnh viện. Thực sự, công việc này quá vất vả, hằng ngày tiếp xúc với bệnh tật, nguy cơ lây nhiễm và luôn áp lực, nhưng đổi lại chỉ là một mức lương quá thấp theo quy định, chế độ đãi ngộ cũng không có gì đặc biệt. Học hành 5 năm ra trường, đi làm hơn 10 năm, nhưng lương vợ tôi không bằng người phụ hồ. Tôi so sánh như vậy, chắc nhiều người sẽ nói không công bằng vì y bác sĩ còn có bảo hiểm xã hội, nhưng thực sự, số tiền chênh lệch chẳng đáng là bao so với thu nhập của các ngành nghề khác. Chúng tôi cũng đang tính đến chuyện sẽ nghỉ việc để đầu tư làm việc khác”.

>> Để y bác sĩ không thành ‘thiên thần đói ăn, thiếu ngủ’

Đề cập đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng cần có chính sách riêng cho lực lượng y tế tuyến đầu như phụ cấp về độc hại, cường độ làm việc, làm ngoài giờ… Bạn đọc Trung Hiếu Lê ủng hộ: “Tôi loại bỏ vấn đề y bác sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng, không thể chấp nhận. Còn lại, tôi cho rằng thời điểm này không phải là lúc kỷ luật, răn đe. Họ đã ròng rã tham gia chống dịch suốt hai năm nay, họ cũng có gia đình, người thân, họ cũng đã rất mệt mỏi và đuối sức. Nếu dùng biện pháp mạnh như tước giấy hành nghề, liệu phản ứng tiêu cực dây chuyền có lan rộng ra tất cả y bác sĩ còn lại?

Chúng ta nói đã chăm lo cho họ, hỗ trợ và có chế độ ưu đãi, nhưng thực tế thì sao? Các cấp quản lý đã tìm hiểu rõ lý do tại sao họ tự ý bỏ việc chưa? Chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó. Hãy tìm hiểu kỹ và động viên từ tinh thần cho đến vật chất (phụ cấp, lương) và đặc biệt là phải trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ an toàn tối đa cho lực lượng y tế”.

Cùng chung suy nghĩ, độc giả Truongxuanloc2303 cho rằng, nhưng đãi ngộ, chính sách phụ cấp, nghỉ ngơi mới là giải pháp tốt nhất, ngăn y bác sĩ bỏ việc: “Tôi nghĩ Bộ Y tế nên quan tâm tại sao bác sĩ lại bỏ việc? Theo quan sát từ nhiều nước trên thế giới về phòng chống Covid-19, các bác sĩ sau một thời gian công tác sẽ có biểu hiện trầm cảm vì đã chứng kiến nhiều bệnh nhân lần lượt qua đời. Về khía cạnh y đức, điều này có thể rất làm tổn thương tâm lý bác sĩ. Vậy nên, tôi cho rằng, Bộ Y tế nên cảm thông hoặc lập một đội công tác tâm lý để các bác sĩ không phải chịu quá nhiều gánh nặng. Họ đã hy sinh trong mùa dịch này rất nhiều và đã đến lúc chúng ta phải thông cảm cho họ thay vì những hình thức kỷ luật, răn đe là quá cứng rắn”.

Bạn đọc MyloveisWinter bổ sung thêm: “Nói đi cũng cần nói lại, trách nhiệm phải đi liền với quyền lợi. Các y bác sĩ đã thể hiện trách nhiệm rồi, nhưng còn quyền lợi của họ, của gia đình họ, lương bổng, khen thưởng thì sao? Họ cũng là con người, cũng có tình cảm, cũng biết mệt mỏi. Chúng ta cũng nên cho họ thời gian làm việc, nghỉ ngơi và nghỉ phép hợp lý để họ có thể tái tạo lại năng lượng và tiếp tục chiến đấu. Hằng ngày, họ tiếp xúc bao nhiêu người, bao nhiêu kẻ chống đối, khó chịu nên họ cũng mệt, tinh thần cũng bị bẻ gãy. Bằng đó con người cứ căng mình chống dịch mà không có hỗ trợ hiệu quả thì dù có dùng hình phạt để răn đe, e rằng họ cũng sẽ chẳng trụ lại lâu”.

“Nên có chế độ luân chuyển, luân phiên các y bác sĩ đi vùng dịch sau khi đảm bảo quy trình bong bóng. Tuyến đầu đã căng sức hàng tháng trời và stress do nhiều ca bệnh không qua khỏi. Thay vì xét trách nhiệm, Bộ Y tế hãy tạo điều kiện để họ cân bằng và nạp lại năng lượng. Y bác sĩ dù chuyên môn và bản lĩnh đến mấy, cũng vẫn là con người, không thể chạy 300% sức liên tục được. Phải có quãng nghỉ, phải có lúc tạm thay đổi môi trường để giảm tải áp lực cho họ”, độc giả Hysay2 kết lại.

Việt Thành tổng hợp

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *