Xin 37 toa tàu hỏa Nhật – ‘cũ người, không mới ta’

Những toa xe đã lạc hậu tại Nhật Bản, nếu nhập về, dù miễn phí, ta vẫn phải tốn chi phí vận chuyển, cải tạo, bảo dưỡng.

Tôi có một cái tật được mọi người như đồng nghiệp, bạn bè coi là “dị” khi thích đi du lịch bằng tàu hoả mà người ở quê của tôi vẫn hay gọi là xe lửa.

Cái cảm giác ngồi trên toa, bật điện thoại và vào bản đồ định vị GPS, thấy chấm xanh di chuyển dọc đất nước, tiến ra bắc hay vào ngược trong nam khiến tôi thích thú hơn.

Tôi vẫn nhớ chuyến đi Huế năm 2017 đầy “sóng gió” bằng xe lửa của mình. Dù chọn tàu SE nhưng tôi vẫn mất gần 27 tiếng đồng hồ để đi từ TP HCM ra Huế. Tôi lên tàu lúc 11h30 và xuống ga Huế lúc gần 15h hôm sau. Nếu chọn đi máy bay, có lẽ tôi chỉ mất hơn 2 tiếng ngồi trên không là đã đến nơi. Nhưng như đã nói, tôi có lòng đam mê lớn với xe lửa nên dù phải tốn rất nhiều thời gian tôi vẫn ưu tiên chọn phương tiện này.

Nhưng trong chuyến đi này, ở Đà Nẵng, lúc chuẩn bị leo đèo Hải Vân, đoàn tàu bị chết máy, phải dừng giữa nơi giao nhau với đường bộ gần 40 phút để sửa chữa. Tôi lại nghĩ về đêm hôm trước, trong giấc ngủ chập chờn, tôi thấy có rất nhiều lần đoàn tàu phải dừng lại hàng chục phút để tránh các đoàn tàu khác được ưu tiên hơn.

>> Tàu hỏa ‘chạy bằng cơm’

Lúc đó, tôi chỉ ao ước có thêm một đường ray nữa song song thì có lẽ tàu khách không cần phải né tàu ưu tiên, tàu hàng không cần chờ đợi để né tàu khách. Rồi tôi lại nghĩ ngợi nếu có đoàn tàu cao tốc hoàn toàn mới kiểu như ở Nhật, với tốc độ hàng trăm km/h thì việc di chuyển vào Nam ra Bắc bằng tàu không là điều khiến nhiều người trăn trở nữa.

Nhưng qua nhiều năm tháng đi tàu, tôi thấy mọi thứ dường như cũ, chẳng có gì thay đổi. Vẫn đầu kéo đó, đường ray đó, công nghệ đó, có người đã ví von đường sắt lạc hậu và chẳng có thay đổi gì như 100 năm trước.

Mới đây, khi có thông tin Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho phép nhập 37 toa xe cũ được Nhật Bản chuyển giao miễn phí. Đó là 37 toa xe loại Kiha 40 và Kiha 48 được Nhật Bản sản xuất giai đoạn 1979-1982 do Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) sử dụng, hiện đã ngừng khai thác.

Các toa xe có ghế mềm, điều hòa không khí với công suất 68-82 chỗ ngồi, 28-34 chỗ đứng, vận hành với tốc độ tối đa 95 km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067 mm của Nhật Bản. Toa xe có thể vận hành độc lập hoặc dễ ghép nối thành đoàn tàu tùy theo nhu cầu sử dụng.

>> ‘Tàu tốc độ 150 km/h thiết thực hơn 350 km/h’

Tôi lại khá băn khoăn chuyện này. Ca dao có câu: “Cũ người thì lại mới ta/Người chê rách rưới, ta là gấm nhung”. Rõ là 37 toa tàu này không còn được sử dụng ở Nhật bởi nó đã quá già, quá lạc hậu so với họ rồi. Nhưng bây giờ ta lại nhập về, dù miễn phí đi nữa thì có thực sự lợi ích cho ta như rẻ hơn nhiều so với chi phí đóng mới hoặc mua xe toa cũ của các nước khác không? Hơn nữa dù họ cho miễn phí nhưng ta cũng tốn chi phí vận chuyển về nước và cải tạo lại cho phù hợp với đường ray thì mới dùng được.

Nếu ta không lấy thì với họ chỉ là đống sắt vụn mà thôi, phải tốn công tháo dỡ, tái chế. Nhưng nếu lấy về dùng rồi thì nỗi lo chi phí sửa chữa, thay linh kiện khi chúng hỏng hóc có khi còn đắt hơn nhiều so với việc đóng toa mới như nhiều người đã chỉ ra.

Mặt khác, Nghị định 65/2018 quy định tại điều 18 niên hạn sử dụng đối với đầu máy, toa xe chở khách không quá 40 năm, đối với toa tàu đã qua nhập khẩu thì không quá 10 năm với chở khách và 15 năm với chở hàng. Nếu bây giờ nhập toa xe quá đát những 30 năm so với quy định thì có tạo ra tiền lệ không tốt chăng?

Minh Anh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *