Xin việc trái ngành

‘Tốt nghiệp ngành Y, giờ lại chọn làm kinh tế, em có vấn đề gì không vậy?’, vị giám đốc chất vấn ứng viên trong buổi phỏng vấn xin việc.

Đứa cháu của bạn tôi vừa đi phỏng vấn xin việc tại một công ty nước ngoài. Câu chuyện của cháu khiến tôi vô cùng băn khoăn. Đầu tiên, cháu làm được bài test IQ của phòng nhân sự với số điểm 29/30. Sau đó, cháu tiếp tục được kiểm tra kiến thức chuyên môn với trưởng phòng. Kết quả cháu đều trả lời thành thạo dựa trên bảy, tám năm kinh nghiệm.

Đến phần phỏng vấn với giám đốc bộ phận người Việt, vị này hỏi cháu rằng: “Tốt nghiệp ngành Y ra mà giờ chọn làm mảng kinh tế, em có vấn đề gì không vậy? Kinh tế toàn những con số liệu khô khan, trong khi ngành Y có những học thuật mang tính hàn lâm mà sao không theo?”. Cháu trả lời “do không đam mê với ngành Y nên không muốn theo và sợ gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thú thật, bản thân cũng là chủ một công ty, tôi cảm thấy bất ngờ, không vui với câu chất vấn này của vị giám đốc bộ phận dành cho ứng viên. Thời chúng tôi là những năm thập niên 70, 80, mạng internet hầu như chưa phát triển nên việc chọn “sai ngành” cũng là chuyện thường xảy ra. Lớp kỹ thuật của chúng tôi có 60 người, sau khi ra trường mỗi người một ngành: số theo đúng chuyên môn ngành học chỉ đếm trên đầu ngón tay, số khác đi dạy, hoặc kinh doanh…

Tôi nhớ thời mới ra trường, đi xin việc làm, tôi từng bị một cô trưởng phòng người Việt cười khẩy: “Tại sao em không về quê làm mà cứ bám trụ tại Sài Gòn làm gì? Bộ tính cưới vợ ở Sài Gòn rồi để có hộ khẩu cho dễ à?”. Ngày đó, kinh nghiệm còn non nớt, mọi thứ cũng chỉ ngờ nghệch ngoài ba kiến thức chuyên ngành đã học nên tôi đã bị rớt phỏng vấn. Sau đó, tôi dần dần hòa nhập, đi làm, cố gắng và phấn đấu đến tận bây giờ.

Thời đại ngày nay, các em nhỏ có cơ hội tiếp xúc nhiều thông tin, tìm hiểu kỹ trước khi chọn ngành, tỷ lệ chọn “sai ngành” sẽ ít hơn so với thời chúng tôi, nhưng không phải không có. Tôi cũng đã trải qua nhiều cuộc phỏng vấn, với tư cách là ứng viên và cả người phỏng vấn. Khi nhận một CV của ứng viên, tôi chỉ lướt sơ qua học vấn một chút rồi chú trọng vào kinh nghiệm, kỹ năng của họ nhiều hơn, bởi lẽ đó mới là thứ quan trọng mà một công ty đang cần, chứ không phải là tốt nghiệp trường A, trường B.

Tôi không phủ nhận việc học trường gì cũng có một tầm quan trọng nhất định như người học kinh tế sẽ có óc tính toán, logic hơn ngành khác. Nhưng “nghề dạy người”, chính công việc sẽ bồi đắp thêm hoặc sẽ xây dựng lại một bạn sinh viên mới ra trường, cho nên khi tuyển dụng, kỹ năng, kinh nghiệm là thứ có thể đánh giá được sự phù hợp giữa ứng viên và người tuyển dụng.

>> ‘Tuyển người làm việc trái ngành là gây lãng phí’

Quay trở lại vấn đề của cháu bạn tôi, tôi không nghĩ rằng thời hiện đại rồi mà vẫn có người tuyển dụng cười cợt thô lỗ về ngành học, trường học của ứng viên như vậy. Bạn bè tôi có kể, họ từng đi phỏng vấn những công ty nước ngoài với chuyên ngành khác ngành đào tạo, lúc đó người phỏng vấn nước ngoài chỉ hỏi: “Sao bạn học ngành này nhưng lại đi làm chọn ngành kia?”. Bạn tôi nói do “sở thích và đam mê”. Kết quả, người phỏng vấn chỉ gật đầu rồi tập trung vào hỏi những vấn đề kinh nghiệm, kỹ năng mà bạn tôi đã có.

Một trường hợp khác, một phòng nhân sự của một công ty Việt có danh tiếng gọi điện cho một ứng viên, trao đổi về công việc ngành cung ứng đang tuyển dụng. Bạn ứng viên đã có hơn 10 năm trong ngành. Sau khi đã thấy ứng viên ổn về mọi mặt, họ trình CV cho trưởng bộ phận người Việt xem xét để sắp lịch hẹn phỏng vấn tiếp theo. Một tiếng sau, bạn nhân sự có vẻ bối rối gọi điện lại, xin lỗi ứng viên kia và ngỏ ý rằng: “Bạn có thể sửa lại tên trường đại học trên CV được không? Vì trưởng bộ phận bên tôi thuộc thế hệ cũ, họ thích những người tốt nghiệp ngành kinh tế, ngoại thương hơn. Còn bạn tốt nghiệp ngành y thì trưởng bộ phận không hài lòng lắm. Chỉ cần bạn sửa CV để phỏng vấn thôi, bằng cấp sau này chỉ cần nộp cho nhân sự là được”. Bạn ứng viên kia cảm thấy không hài lòng và từ chối cuộc hẹn phỏng vấn vòng hai bởi lẽ thấy không có gì phải xấu hổ, nói dối về trường đại học mình đã tốt nghiệp cả.

Cũng có trường hợp khác, khi phỏng vấn một bạn ứng viên có tám năm kinh nghiệm về mảng mua hàng, trưởng bộ phận người Việt lại đi hỏi kỹ từng nhà cung cấp mà bạn ứng viên kia đã làm việc qua, cố gắng tìm kiếm nhà cung cấp mới dựa trên thông tin của ứng viên. Khi bạn ứng viên từ chối cung cấp thông tin, người tuyển dụng cho rằng: “Em không nói kỹ thì sao anh/chị tin em đã làm việc bên mảng này?” và cuối cùng lại đánh trượt vì lý do “không trung thực”.

Mối quan hệ giữa ứng viên và người phỏng vấn bây giờ chỉ là thỏa thuận bình đẳng giữa hai bên chứ không còn xin cho như những giai đoạn trước, đặc biệt là khi Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập thế giới phẳng. Cho nên, để phát triển được, người tuyển dụng cũng cần thay đổi về suy nghĩ, về cách tuyển chọn sao cho phù hợp với thực tế. Một cánh én có thể không làm nên mùa xuân, nhưng nhiều cánh én thì cũng sẽ làm nên chuyện.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Minh Trần

Cử nhân đại học kinh doanh trái ngành gây lãng phí xã hội

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *