Xót xa vì đầu tư 200 triệu mở tiệm giặt giữa Covid-19

“Nếu không khởi nghiệp, bất quá chỉ không có lương còn hơn bỏ vốn đầu tư làm ăn lúc này” – đứa em nói với tôi.

Gần đây, tôi đọc một số bài viết cho thấy sự sợ hãi, những nỗi lo trở thành người tay trắng vì trót ra kinh doanh, khởi nghiệp giữa Covid-19. Đa số đều bi quan và tỏ ra chán nản. Hiếm lắm tôi mới gặp được bài viết có vẻ rất lạc quan đó là bài Tiêu hết hai năm tiền tiết kiệm trong 3 tháng dịch.

Cách đây vài hôm, tôi dành một buổi ngồi an ủi đứa em sau khi nghe tâm sự về chuyện kinh doanh thất bát mấy tháng qua. Trong những lời than thở thầm chứa tiếc nuối về việc chần chừ, không chịu cắt lỗ bằng cách trả mặt bằng đang thuê để kinh doanh ngay từ đầu dịch.

Cậu ấy cho hay, số tiền gần 200 triệu đồng đầu tư cho tiệm giặt ủi phần lớn có nguy cơ mọc cánh bay đi mất. Trong đó có tiền đầu tư cho 10 máy giặt loại 8kg, tiền thuê mặt bằng trong hai năm. Tiệm mới hoạt động được ba tháng thì dịch ập tới.

“Tính ra làm ăn với đời mà bị một vố đau quá, thà như mấy đứa làm công ăn lương sống tàn tàn thì bất quá chỉ không có lương chứ không đến nỗi mất nhiều tiền như thế”. Đứa em này nói rằng nhiều đêm không ngủ được phần vì lo mất tiền đã đầu tư, phần lo chi phí sinh hoạt gia đình. “Em biết sợ rồi, sau này chắc phải vài năm mới lấy lại vốn ban đầu”.

>> Những vợ chồng trẻ ‘bó mình’ trong căn trọ 15m2

Bằng hết khả năng của mình, tôi chỉ giải rằng tiền đầu tư vẫn còn đó chứ có mất đi đâu? Vẫn còn nguyên 10 chiếc máy giặt, tiền mặt bằng thì tính ra mỗi tháng 4-5 triệu đồng, bốn tháng qua mất tầm 20 triệu, tiền nhà hai năm đã nộp đủ rồi, cũng có lấy lại được đâu mà tính toán nữa? Trong khi đó, vẫn còn hợp đồng hai năm, ráng chờ đến khi tình hình ổn định thì bắt đầu công việc lại.

Đứa em lại than tiếp: “Ngộ nhỡ sau dịch, chẳng ai còn tiền, người ta chịu khó giặt nhà chứ không đem đến tiệm giặt thì sao?”. Tôi ôn tồn: “Yên tâm, trăm người bán, vạn người mua, không có người này thì sẽ có người khác, lo gì. Thậm chí nếu ít khách thì mình kích cầu bằng khuyến mãi, giảm giá, lấy lời ít bù số lượng nhiều. Sau cơn mưa, trời sẽ sáng”. Cứ như vậy, người thì lo còn kẻ thì an ủi. Tôi nhận thấy rằng tâm lý của người cần an ủi luôn vẽ ra những cảnh tồi tệ hơn thực tế để chờ người an ủi khuyên lơn cho vững dạ.

Có một ý trong lời than thở của cậu em khiến tôi nghĩ mãi đó là những thanh niên sống làng nhàng, lãnh lương mỗi tháng, không bày trò kinh doanh buôn bán với đời lại có vẻ khá an toàn trong mùa dịch này. Còn những người có máu kinh doanh, khởi nghiệp lại đau đầu, mất ngủ vì ra đời làm ăn trúng ngay mùa Covid-19, tận những hai năm.

Rồi tôi lại nhớ về những khó khăn, gian khổ lúc vừa mới ra đời của mình. Những bạn bè cùng lứa với tôi thuở ấy cũng gặp nhiều khó khăn tương tự. Trừ một số hiếm có sự giúp đỡ của gia đình thì mới suôn sẻ hơn một chút mà thôi.

Ngày ấy chúng tôi muốn buôn bán kinh doanh gì cũng khó, internet còn lạ lẫm nên mọi hoạt động kinh doanh buôn bán chỉ nằm trong những danh mục truyền thống: quán cơm, quán cà phê, quán nhậu, quán bi-a… Ai muốn khởi nghiệp gì thì lựa một trong số đó. Bây giờ, thời buổi internet mở ra, cơ hội là rất lớn so hơn với lúc xưa: dễ tìm khách hàng, dễ có nhiều ý tưởng kinh doanh mới nếu đầu óc chịu suy nghĩ.

>> Gia đình trẻ khủng hoảng tài chính vì Covid-19

Vậy nên ta chỉ xem khó khăn do Covid-19 vừa qua chỉ là một biến số trong vô vàn biến số khác của cuộc sống mà thôi. Tôi cũng từng viết bài khuyên hết dịch sẽ làm lại từ đầu.

Còn lời than sặc mùi ganh tỵ với những thanh niên sống làng nhàng của đứa em làm tôi khá buồn cười. Người ta nói rồi, có chí làm quan, có gan làm giàu. Mình có gan bày ra buôn bán thì ắt sẽ gặp khó khăn. Quan trọng là không quá bi quan và sẵn sàng làm lại từ đầu. Ấy là có lúc lên thì sẽ có lúc xuống.

Còn những bạn trẻ nào sống làng nhàng, làm công mỗi ngày, tới tháng ăn lương thì cuộc sống bình bình như vậy suốt đời, trừ khi họ tự thay đổi. Như vậy là mỗi người tự chọn cách đối mặt với cuộc sống, cơ hội làm giàu ngang ngửa với nguy cơ trắng tay là vậy.

Lê Bảo

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *