Bắt học sinh viết chữ đẹp theo mẫu để làm gì?

‘Học sinh ngày nay suốt ngày thi đua viết chữ đẹp, nhưng thực tế càng giống mẫu càng tốt, sao chép y nguyên mà không có chút sáng tạo nào’.

Từ ngày tôi luyện chữ, cái mà tôi thắc mắc nhất là nét chữ – nết người có liên quan đến nhau không? Nét ở đây đúng là nét của chữ, chứ không phải chữ. Nét chữ có loại nét mạnh và ào ào như thác đổ, cũng có loại mềm mại uyển chuyển tựa nước trôi, lại có bình bình chậm chậm, loại thanh mảnh cứng cáp. Các loại này phải là lúc người viết chữ rảnh thì họ mới viết. Một người cũng có thể viết vài loại nét chữ, đa phần chúng không liên quan gì đến tích cách. Con người ta còn có vài loại tính cách khác nhau với từng đối tượng, thì sự liên quan giữa người với nét chữ cũng chẳng lấy gì mà sâu đậm.

Nhưng đó là với những người viết đẹp, tự sáng tạo ra kiểu viết của riêng họ, nét chữ của riêng họ, chứ học sinh nét chữ còn chưa chuẩn thì sao mà nhận xét được? Giáo viên và phụ huynh cũng chẳng mấy ai là người viết chữ đẹp, nên khi hướng dẫn con cái luyện chữ đẹp, họ chỉ là những người cho trẻ viết theo mẫu mà thôi. Cái mẫu mà cả triệu học sinh đều viết, nét nào cũng theo cái khuôn sẵn thì lấy đâu ra nhận xét chính xác về một con người được? Nhiều người cứ lấy câu nói “Nét chữ nết người” của người xưa ra làm lý do, nhưng họ không biết được rằng xưa khác, nay khác.

Luyện chữ đẹp của học sinh bây giờ mang danh cái đẹp nhưng thực chất chỉ là gò cho chữ giống như mẫu, càng giống thì càng “đẹp”. Chữ đẹp được nhiều người ngộ nhận là đầy hoa lá cành, giống nhau y hệt và nét không gãy là được. Đấy ai gọi là chữ đẹp, đó chỉ là dấu hiệu của việc chép đúng mẫu đã thành công.

>> ‘Chữ đẹp không làm nên nhân cách’

Nhiều người cũng hay ngộ nhận giữa xấu – đẹp và dễ đọc – khó đọc. Chữ bác sĩ không phải chữ xấu, mà là chữ khó đọc. Thực tế chữ bác sĩ đa phần đều rất dứt khoát, nét nào ra nét đó, người bình thường không đọc được, chứ mấy cô ở quầy thuốc thì chẳng ai lấy nhầm đơn. Còn học sinh suốt ngày thi đua chữ đẹp, nhưng thực tế càng giống mẫu càng tốt. Thử hỏi có sự đẹp nào phát sinh ra từ việc sao chép y nguyên mà không có sáng tạo?

Bắt học sinh viết y theo chữ mẫu, vừa giết chết sáng tạo vừa gieo vào đầu trẻ cảm quan lệch lạc về thẩm mỹ, rằng cứ cái gì người lớn bảo đẹp là đẹp. Lâu dần, trẻ sẽ không nghĩ xem vì sao nó lại đẹp, mình có thấy đẹp thật không? Xa hơn, chúng sẽ ngộ nhận nghệ thuật như làm Toán, học nhiều đa phần là làm được, mà không biết rằng chữ viết giống như đàn, hát, nhảy, múa, đều là do năng khiếu cả. Có những người gò ép mấy trẻ lớp 1 viết rõ ràng, dứt khoát mà không biết xương cổ tay và các cơ ở tuổi đó đều rất yếu, không phù hợp với các điều kiện để thực hiện cái yêu cầu vô lý đó.

Thời xưa, 7 tuổi học vỡ lòng mới nhận mặt chữ, 9 tuổi bắt đầu đọc sách kinh, sử, nhiều người cả đời chưa hiểu xong một quyển Luận ngữ, nên họ có đầy thời gian để viết chữ. Nhưng ngày nay, các môn Văn, Toán, Anh… đã ngốn hết thời gian của trẻ, nên không thể lấy quy chuẩn xưa để bắt học sinh thời nay thực hiện. Một ngày chỉ có 24 tiếng, các em học trên trường từ 7h sáng đến 5h chiều, về nhà lại học thêm đủ môn, còn phải rèn chữ, vậy thời gian đâu để thư giãn đầu óc? Thật không hiểu nhiều phụ huynh nghĩ gì? Con họ đâu phải siêu nhân?

Tuân Hầm

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bàitại đây.Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *