‘Chữ đẹp không làm nên nhân cách’

Phần lớn học sinh Việt phải vật lộn với viết chữ đẹp suốt 5 năm tiểu học, trong khi nội dung viết thế nào mới tạo nên nhân cách.

Nhiều người ngộ nhận giữa viết chữ đẹp và viết chữ vừa đủ để đọc được. Viết chữ vừa đủ để đọc được là viết rõ nét, ngay hàng thẳng lối, cao thấp đều nhau. Còn viết chữ đẹp mang tính chất trang trí, nghệ thuật. Đỉnh cao của viết chữ đẹp là tranh chữ. Tục ngữ có câu “vật cực tất phản”, cái gì quá sẽ phản tác dụng. Tranh chữ có đẹp không? Đẹp nhưng nhiều khi không đọc được hoặc phải mất vài phút mới nhận ra chữ đó là chữ gì?

Chương trình phổ thông không nên dạy cho học sinh lối viết chữ hoa mỹ, bay bướm, mà chỉ cần viết rõ nét, ngay hàng thẳng lối là đủ. Thật ra, viết chữ xấu chính là không rõ nét, không ngay hàng thẳng lối mà thôi. Còn muốn viết chữ bay bướm, học sinh nào thích thì tự luyện riêng.

Chữ viết đúng là có phản ánh một phần tâm tính của con người. Nếu bạn viết chữ đứng, bạn là người mạnh mẽ, nóng tính. Nếu bạn viết chữ nghiêng, bạn là người ôn hòa tình cảm. Chữ viết đẹp hay xấu không làm nên con người. Nội dung viết mới làm nên con người. Viết chữ đẹp mà không giỏi văn thơ thì chỉ có đi viết thuê, tức là chép lại nội dung viết của người khác và trình bày sao cho bắt mắt hơn.

Trừ học sinh có năng khiếu bẩm sinh, phần lớn học sinh Việt phải vật lộn với viết chữ đẹp suốt 5 năm học cấp một. Ngày xưa, thiếu phương tiện, sinh viên lên giảng đường phải viết tốc ký bài giảng của giáo sư. Ngày nay, có smartphone, bạn có thể ghi âm, thậm chí quay phim bài giảng, về nhà tự viết vào vở câu chữ rõ ràng ngay ngắn đủ ý.

>> ‘Luyện viết chữ rất quan trọng’

Bạn có cần phải biết viết chữ đẹp không? Hầu hết người ủng hộ viết chữ đẹp nêu quan điểm viết chữ đẹp là để đi thi, để làm hài lòng người chấm thi. Học phổ thông là học làm người, chứ không phải để lấy lòng người khác. Hầu hết người viết chữ đẹp là người trọng hình thức, không trọng nội dung.

Chữ viết có chức năng truyền đạt thông tin và lưu giữ tri thức. Nhà trường dạy chữ cho học sinh là nhằm vào hai chức năng này. Thông tin và tri thức cần đúng ngữ pháp để rõ ý, dùng đúng từ ngữ để tránh hiểu nhầm, ai quan tâm chữ đẹp hay không? Nếu bạn viết chữ xấu thì có đầy phương tiện điện tử như điện thoại, máy tính bổ sung cho khuyết điểm đó.

Muốn viết chữ đẹp đồng thời tăng kỹ năng viết lách, có một cách cho bạn thực hiện – viết nhật ký. Người viết nhật ký thường là người trưởng thành. Viết nhật ký vừa luyện chữ đẹp, vừa luyện ngữ pháp, vừa luyện kỹ năng diễn đạt, vừa lưu giữ những kỷ niệm đẹp cũng như những sự không hài lòng trong cuộc sống…

Thêm một người viết nhật ký, xã hội bớt đi một người có tư tưởng cực đoan, tiêu cực. Bữa nay bạn gặp phải sự việc làm bạn không hài lòng, bạn trút sự tức giận của bạn vào trang nhật ký. Ngày mai, nhiều kinh nghiệm sống hơn, suy nghĩ thoáng hơn, xem lại trang nhật ký kia, có thể bạn sẽ tự cười chính mình. Người Việt chúng ta gặp chuyện thường hay đổ thừa nhau vì chúng ta không có thói quen viết nhật ký. Viết nhật ký là tự mình soi lại chính mình.

Lâm

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bàitại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *