‘Đất vàng Đà Lạt chăm chú xây công trình kinh doanh’

Sức hấp dẫn của những khu đất vàng khiến ai nấy cũng đổ tiền vào để xây nhà ở, thương mại và quên công trình công cộng.

Vấn đề của Đà Lạt không phải là ôm quá khứ, hoài niệm quá khứ mà là vấn đề quy hoạch. Sự phát triển của Đà Lạt, TP HCM lẫn Hà Nội đều thiếu quy hoạch.

Mật độ dân cư càng cao thì diện tích đất dành cho công cộng càng giảm, ô nhiễm môi trường càng tăng, hạ tầng càng quá tải, không gian sống càng chật chội, sinh hoạt càng đắt đỏ, tỷ lệ người có thu nhập thấp càng gia tăng – thu nhập thấp là với nơi này chứ so với nơi khác thì chưa hẳn là thấp.

Những năm gần đây, ta thường đọc được những vụ án về đất đai luôn kèm theo thuật ngữ “đất vàng”. Thế nào là “đất vàng” ? Là đất nằm ở vị trí thích hợp với kinh doanh. Thế nào là thích hợp với kinh doanh? Là nó phải nằm ở nơi có mật độ dân cư cao nhất nhì nơi đó.

Mật độ dân cư đến 5 – 6 nghìn người trên mỗi km2 thì một con hẻm nhỏ xíu cũng có thể là “đất vàng” chứ chưa nói gì đến nhà mặt tiền đường to đường nhỏ gần trung tâm gì đấy.

>> ‘Không nên nâng Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt lên cao 28 m’

Khái niệm “đất vàng” là của người biết kinh doanh. Với người bình thường, đất nào cũng là đất. Bạn là người bình thường, bạn bán miếng “đất vàng” của bạn, bạn mang số tiền to ấy rời đi đến nơi nào không có “đất vàng” để sống. Bạn vĩnh viễn không bao giờ mua lại được miếng “đất vàng” mà bạn đã bán đi. Với người biết kinh doanh, họ biết dùng đất vàng để tạo ra lợi nhuận, tích tụ lại để mua tiếp những miếng “đất vàng” khác.

“Đất vàng” mang lại lợi nhuận cho người kinh doanh không có nghĩa là mang lại nhiều thuế, hoặc, khoản thuế ấy không bù đắp nổi những tiêu cực mà “đất vàng” tạo ra.

Đất nào cũng là “đất vàng” thì đất nào làm công viên cây xanh? Lợi nhuận do công viên cây xanh mang lại không đo đếm được bằng tiền và thiệt hại do không có công viên cây xanh cũng không đo đếm được bằng tiền.

“Đất vàng” của ở nước ngoài là do lịch sử để lại, không thể thay đổi được – ví dụ như để bảo tồn các di tích cổ. Còn “đất vàng” của ta thường do thiếu quy hoạch mà tạo thành.

>> ‘Đà Lạt không có gì chơi’

Quy hoạch thì có tổng thể và quy hoạch từng khu vực nhỏ phù hợp. Quy hoạch ở nước ta giống như “thầy bói mù sờ voi”, “sờ” đâu “quy” đó, không có quy hoạch tổng thể. Chính cái quy hoạch tổng thể này mới tạo ra nơi nào cần bảo tồn, tôn tạo hoặc đập bỏ xây mới.

Trên quy hoạch tổng thể, người ta xác định mật độ dân cư, nơi nào xây nhà, nơi nào xây công trình công cộng để phục vụ dân cư nơi đó. Đó là những thông số cố định, bất di bất dịch mà quy hoạch khu vực phải tuân thủ.

Không có quy hoạch tổng thể thì quy hoạch khu vực chỉ chăm chú vào xây dựng nhà ở, nhà dùng để kinh doanh, “quên” để dành đất xây dựng công trình công cộng dẫn đến mật độ dân cư càng ngày càng cao và nơi nào cũng là “đất vàng” nhằm phục vụ kinh doanh, không nhằm để nâng cao môi trường sống.

Lâm

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *