Đi làm 10 năm mà tôi không ‘lận lưng’ chỉ vàng nào

Bạn bè khổ sở tiết kiệm tích góp vàng, tiền, bất động sản – tôi không làm như vậy vì tự tin vào bản thân.

Suốt một tuần nay, chủ đề bàn tán của tôi và nhóm bạn xung quanh việc giá vàng tăng. Kẻ chưa lập gia đình, chuẩn bị lấy vợ thì khóc thầm và buồn rũ rượi vì không chịu mua lúc giá vàng đang còn nằm yên. Người đã lập gia đình, đã có vài lượng vài thủ sẵn trong người thì tỏ vẻ tự tin, yên tâm hơn về cuộc sống.

Rồi mọi người hỏi tôi đã lận lưng được mấy cây vàng? Tôi nói không có cây vàng nào. Rồi mọi người lại hỏi tôi có chơi Bitcoin, đầu tư bất động sản… gì không? Tôi trả lời không. Tôi không tích trữ vật chất gì cho mình cả, nhưng thật ngạc nhiên, chẳng ai chịu tin là tôi đang “trắng tay” sau hơn 10 năm đi làm.

Tôi thấy thật lạ lùng khi nhiều người bây giờ không sống đúng nghĩa với việc tận hưởng từng phút giây trong hiện tại mà cứ lo chuyện xa xăm mấy chục năm sau, cho tuổi già.

Tôi buồn cười khi trên diễn đàn từng có người chia sẻ đang trong quá trình tích luỹ mỗi tháng một chỉ vàng, khi về hưu sẽ có 36 cây vàng dưỡng già. Tôi thấy sống kiểu gò ép bản thân như vậy sao khổ sở quá. Tính già tính non cho tương lai hàng chục năm sau để làm gì, trong khi cuộc sống bây giờ cứ nơm nơm tích góp để sợ về già khổ?

>> Sinh con để dưỡng già là ‘đầu tư mạo hiểm’

Mở đầu bài hát “60 năm cuộc đời” như sau: “Hai mươi năm đầu. Sung sướng không bao lâu. Hai mươi năm sau. Sầu vương cao vời vợi. Hai mươi năm cuối là bao”. Đây mà một bài hát mà tôi rất thích, vì 60 năm cuộc đời mà tác giả vẽ ra đều nhuốm màu bi quan nên đã tạo động lực để tôi sống lạc quan.

Thu nhập của tôi mỗi tháng gần 27 triệu đồng, đủ để vừa xoay xở sinh hoạt cá nhân, vừa trả tiền thuê nhà và một ít gửi biếu bố mẹ. Dĩ nhiên là tôi có một khoản tiền tiết kiệm để phòng thân lúc bệnh tật, nhưng đó là khoản dành cho tai nạn nhẹ, bệnh vặt.

Tôi không chủ ý tích góp tài sản để lo cho tuổi già hàng chục năm sau. Mà đang ung dung, lạc quan tận hưởng cuộc sống. Nhưng cũng không quên phát triển bản thân mỗi ngày để khi rơi vào hoàn cảnh nào, môi trường sống nào thì cũng có đủ kỹ năng để vượt qua.

Tương lai là bất đoán định, như hai năm qua mọi người cũng đã thấy, dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống đảo lộn và mọi dự tính đều là những phép tính sai. Cái quan trọng là có sức khoẻ, có việc làm, và giữ tinh thần lạc quan, yêu đời thì tự khắc sẽ nhìn thấy cơ hội để phát triển bản thân và sự nghiệp.

Xuân Khánh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *