Đòi hỏi chất lượng giáo viên nhưng trả lương bèo bọt

Giáo viên cũng là người, khi cái bánh mỳ không đầy bụng thì tôi tin chẳng ai muốn làm nghề cao quý.

Tôi từng viết nhiều bài chỉ ra những mặt còn yếu kém của giáo dục, thậm chí từng phê phán những biểu hiện tiêu cực của một bộ phận giáo viên. Nhưng thật lòng mà nói, số tiền mà xã hội đang bỏ ra chưa tương xứng với chất lượng giáo viên mà người ta đòi hỏi (đặc biệt là ở môi trường giáo dục công lập).

Với thu nhập trung bình chưa quá 10 triệu đồng một tháng, trong khi một lớp thường có xấp xỉ 50 học sinh, như vậy chia ra, mỗi một tháng giáo viên chỉ có chưa đến 200.000 đồng để dạy dỗ một học sinh. Đó là chưa kể nhưng giáo viên mới vào nghề, thâm niên thấp, đồng lương có khi chỉ có vài triệu bạc. Với những giáo viên không phải chủ nhiệm, dạy môn phụ, chế độ đãi ngộ thậm chí còn kém hơn nữa.

Thế mà người ta hết yêu cầu giáo viên ngày nay phải hoàn thiện nhân cách, nâng cao kiến thức thức chuyên môn, kỹ năng giáo dục cho con cái họ trên ghế nhà trường. Rồi mỗi khi có gì thiếu sót, sơ suất gì, họ lại lại lập tức nhảy dựng lên, lôi giáo viên ra chỉ trích khắp các mặt trận. Thất quá bất công!

>> Giáo viên ‘trăm công nghìn việc’ mùa học online

Nhiều người nói “kêu lương giáo viên thấp, sao không làm việc khác?“. Điều đó đúng, nhưng liệu chúng ta có dám chấp nhận chất lượng giảng dạy cũng kém tương ứng với mức lương thấp mà giáo viên phải nhận? Nhiều người vẫn có một kiểu tư duy tiêu cực về đề xuất tăng lương giáo viên. Họ cũng là những người bình thường, làm việc như bao nghề nghiệp khác, nhưng nên nhớ đầu tư vào giáo dục là đầu tư cho tương lai, chất lượng giáo viên tăng cũng đồng nghĩa với việc chất lượng thế hệ tương lai cũng tăng. Nếu chúng ta đã đồng ý việc cấm dạy thêm vì lo cho con em mình, thì hà cớ gì phản đối việc tăng lương giáo viên để cải thiện chất lượng giáo dục?

Ngày xưa, một lớp chỉ có 20-30 học sinh, nhưng hiện tại con số đó đã lên tới 50. Nguyên nhân một phần đến từ đồng lương giáo viên quá thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản, nên lượng giáo viên mới hằng năm không đủ đề bù vào phần gia tăng dân số. Cứ với đà này, đến một lúc nào đó, sĩ số một lớp có thể phải lên đến 70 học sinh. Khi đó, giáo viên nhớ hết tên học sinh trong lớp cũng là cả một quá chính, chưa nói gì đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy để cải thiện thế hệ “tương lai”.

Thực tế, nhiều giáo viên đã phải bỏ nghề dù còn nhiều tâm huyết. Cũng có người cố bám trụ, không bỏ, nhưng câu chuyện lương thấp không đủ sống vẫn là mối lo đau đáu trong tâm trí họ mỗi ngày lên lớp. Tôi không dám hình dung đến viễn cảnh những thầy cô đó đến một ngày cũng không trụ nổi mà ra đi, khi ấy ai sẽ chịu trách nhiệm chăm lo cho thế hệ kế tiếp? Tất nhiên, tương lai là của chúng ta, tất cả tùy thuộc vào hành động ở hiện tại. Giáo viên cũng là người, khi cái bánh mỳ không đầy bụng thì tôi tin chẳng ai muốn làm nghề cao quý.

Tuân Hầm

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *