Học online ‘quý giá’ – VnExpress

Con gái tôi nhập học lớp hai từ một buổi chào cờ online vào một ngày tháng 9 trước sự chứng kiến của ba mẹ và bà nội.

Bé biết hát Quốc ca từ năm ngoái nhưng có vài chỗ sai lời. Suốt hai tháng cao điểm giãn cách mùa dịch, vợ chồng tôi mặt kề mặt, máy kề máy với con. Có bất tiện không? Có thấy mất thời gian hướng dẫn thao tác mở máy, dạy con làm bài tập không? Có điên tiết khi con được cô gọi mà lơ đễnh trả lời sai không? Có sợ mắt con tăng độ khi suốt ngày phải dán mắt vào màn hình hay không? Có mong mỏi ngày con được trở lại trường và cha mẹ lại được thảnh thơi hay đơn giản chỉ là có nhiều thời gian hơn để tập trung vào công việc hay không.

Tôi có hết.

Đã có rất nhiều thở than rằng cha mẹ quá vất vả khi vừa phải làm việc tại nhà, vừa trông con học online. Rồi khi ba mẹ trở lại công ty để làm việc, con học online ở nhà lại là một bài toán nan giải. Nhưng khi không thể thay đổi được gì, và nhất là khi mấy hôm nay có tin ca nhiễm F0 gia tăng và thậm chí có trường hợp đã tiêm mũi 2 tử vong. Tôi chấp nhận một sự thật rằng ngày quay trở lại trường càng vô định.

Khi không thể thay đổi được thế thời, tôi nhìn việc học online của con theo phép AQ tinh thần. Hiển nhiên, tôi sẽ không biết rõ con học như thế nào nếu bé không học ở nhà cùng tôi.

>> Cả lớp chỉ mình con tôi không học online

Rồi nhìn lại, phải chăng mình đã ỷ y vào thầy cô giáo, vào trường lớp quá nhiều? Chỉ khi nhìn thấy con học, tôi mới biết bé giao tiếp – tương tác với cô giáo và các bạn như thế nào. Bé ở nhà rất nhút nhát, chỉ chơi với một cô bạn thân.

Thế mà khi gặp bạn bè vào mỗi sáng trong zoom, bé chủ động chào cô và các bạn những phút đầu giờ, mạnh dạn hỏi bạn Nguyên Phúc trông cao hơn thì phải; khen bạn Minh Khuê bữa nay có tóc mới nhìn dễ thương quá…

Nhiều lần tôi chỉnh đốn ngay khi bé hồn nhiên hỏi “sao bạn N.Q đọc bài chậm thế?” hay những câu nói bâng quơ mất lòng người lớn như “bạn N.P là vua viết chữ xấu”…

Ba mẹ thường than thở khi nhìn vào những bài học trong sách vở, nhiều quá và khó quá. Nhưng chỉ khi ngồi học cùng, tôi mới thấy những phương pháp mới mà thầy cô truyền đạt cho tụi nhỏ rất dễ hiểu và tiếp thu rất nhanh. Đâu còn kiểu 9 + 5 xòe tay nhẩm từ 9 đến lên thêm 5 để thành 14. Giờ con học cách tác 5 thành 1 và 4, gộp đủ chục rồi cộng với số còn lại. Rất nhanh và không bị sai, cũng không phải xòe bàn tay, đếm ngón tay như phương pháp truyền thống nữa.

Tôi nhớ, tiết học môn Đạo đức đầu tiên là học về cách sắp xếp thời gian. Việc cần thiết và quan trọng thì làm trước. Con gái nhỏ nhà tôi vanh vách kể những công việc cần thiết trong ngày và sắp xếp theo thứ tự hợp lý vào các khung thời gian theo như bài tập cô giáo hướng dẫn. Đã lâu rồi chẳng ai nhắc lại những điều đó cho chính tôi. Đã lâu lắm rồi người lớn quên học. Chẳng phải lẽ ra mỗi ngày bước vào công ty là cần mở email và checklist hằng ngày để giải quyết công việc hoặc đọc báo mà lại là lướt facebook rồi order hàng online hay sao?…

Vậy thì, học lại cùng con, thú vị mà. Học để mà còn sửa mình trước khi dạy con. Có câu ngạn ngữ phương tây: “Đừng cố giáo dục con khi chính bạn không thể thay đổi”. Còn nói theo kiểu bình dân học vụ thì là “đừng cố dạy con làm gì vì trước sau nó cũng giống mình mà thôi”. Làm gương cho con thì tốt hơn mọi lời dạy.

Học online có một điểm lợi là có thể học ở bất cứ địa điểm nào. Tuần trước, cả phải nhà tôi về quê có công việc, tôi phải dẫn con gái về theo và chỉ cần mang theo chiếc máy là bé có thể học với cô và các bạn một cách bình thường. Nếu là học ở trường, chắc chắn tôi sẽ phải làm đơn xin nghỉ phép cho con và con mất buổi học hôm đó.

>> Ba lý do khó dạy và học online giữa Covid-19

Con gái tôi thể trạng nhỏ bé và bé rất biếng ăn, tôi không thể biết bé ăn gì, có đủ khẩu phần hay không khi bé học ở trên trường. Vào mấy tháng giãn cách ở nhà cùng ba mẹ, tôi sâu sát bữa ăn và giấc ngủ của bé hơn nên “trộm vía” bé cao được thêm năm cm và tăng được một kg. Tôi có được đọc ở đâu đó rằng trẻ cần ở gần cha mẹ nhất là trong 8 năm đầu đời để nhận đầy đủ tình yêu thương sâu sắc và để ba mẹ kịp thời uốn nắn thói quen, tính cách. Thế thì thời gian học online ở nhà chẳng phải là rất quý giá cho cả ba mẹ và con trẻ còn gì.

Lớp con gái tôi có 36 học sinh, ngồi học cùng sẽ hiểu rõ lý do vì sao tôi đã và sẽ không thể trở thành một cô giáo. Dường như ngày nào, tiết nào, thậm chí cứ 3-5 phút lại có báo cáo hoặc hỏi lại “cô ơi, mở sách tiếng Việt trang mấy”: “Cô ơi, bạn Hiểu Minh không tập trung”; “cô ơi, bạn Thành Nhân thay phông nền kìa”… Cứ chút chút cô cô lại phải nhắc cả lớp trật tự và giữ im lặng, tắt micro và chỉ được mở khi cô hỏi.

Thầm nghĩ, khi học ở trên lớp, làm sao cô có thể “tắt micro” của 36 chiếc loa liên tục phát âm thanh tần số “không thể im lặng”. Khi học online, thầy cô không rảnh hơn mà trái lại còn bận rộn hơn. Ít nhất phải mất 3 tiếng để soạn bài học và các clip bài giảng mỗi ngày. Chưa kể việc nộp bài tập và chấm điểm bài tập của học sinh trên các tool, app rồi thông báo những học sinh đã và chưa nộp bài tập cũng rất mất thời gian. Tôi chỉ có một đứa con đang học mà còn thấy việc này phiền phức thì thử hỏi các thầy cô dạy mỗi lớp gần 40 học sinh và dạy cùng lúc rất nhiều lớp thì sẽ vất vả như thế nào?

Sắp tới 20/11. Ngày Tết thầy cô năm nay sẽ không có những tiết mục văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo. Thầy cô và các em học sinh lại tiếp tục không được gặp nhau. Có lẽ khi quay trở lại mái trường, thầy cô cũng khó nhận ra học sinh lớp mình vì trước giờ chỉ nhìn thấy các bé trên màn hình online. Con gái tôi hay thắc mắc “không biết cô Minh Hương chủ nhiệm mới của lớp con người như thế nào mẹ nhỉ, cô cao hơn hay thấp hơn cô Kiều Chinh chủ nhiệm lớp cũ của con vậy mẹ? Bàn tay cô có mềm mại và ấm áp không mẹ nhỉ?”

>> Trẻ khó học online vì cha mẹ gây áp lực

Học online là phương cách học thay đổi để ứng phó với tình hình hiện tại. Thầy cô, ba mẹ và đặc biệt là các con nhỏ luôn mong mỏi được trở lại trường lớp, được gặp lại các bạn. Học online, trẻ đâu có niềm vui chạy ào ra khỏi lớp khi nghe tiếng trống ra chơi, đâu có niềm hân hoan được đến căn tin trường để mua đồ ăn vặt, đâu được chơi lò cò, nhảy dây trên sân trường…

Thầy cô là những người cả đời gắn bó với bục giảng, giáo án và học trò. Suốt nhiều tháng không được gặp học trò, tôi thấy nhiều thầy cô bộc lộ nỗi nhớ nhung những ánh mắt, nụ cười và những đơn sơ của trẻ nhỏ. Có cô giáo chột giật mình hoảng hốt sau giấc ngủ trưa vì ngỡ bị trễ giờ lên lớp…

Rõ ràng, khi không thể đến lớp, học sinh và thầy cô là những người buồn nhất chứ không phải là ba mẹ.

Vậy thì, khi không thể thay đổi được thế thời, tôi nhìn việc học online của con theo nhiều mối lợi. Hiển nhiên, tôi sẽ biết rất rõ việc học hành, tương tác, và cả những tâm huyết của thầy cô khi con mình học online tại nhà. Và chính tôi cũng như được học lại những điều lâu rồi chẳng ai dạy người lớn – lòng biết ơn.

Nguyễn Hồng Thảo Thanh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *