‘Làm mới nhạc xưa khiến nghệ thuật méo mó’

Phổ rap cho bài thơ ‘Nam quốc sơn hà’ hay phối lại bài hát ‘Cô gái mở đường’ trên nền nhạc điện tử, với tôi là sáng tạo quá đà.

Thời gian gần đây, xu hướng làm mới các bản nhạc cũ theo phong cách hiện đại xuất hiện ngày một nhiều trên thị trường âm nhạc Việt Nam, thậm chí là trên cá các chương trình truyền hình. Điển hình như trong show The Heroes, có hai tiết mục đang “gây bão” vì phối lại các bản nhạc, bài thơ cổ với phong cách rap, trên nền nhạc điện tử. Cụ thể là bản rap “Nam quốc sơn hà” của Erik lấy cảm hứng từ bài thơ cổ cùng tên, kết hợp cùng điệu hò truyền thống của Phương Mỹ Chi. Và mới đây là bản phối “Cô gái mở đường” được thể hiện bởi nữ ca sĩ Han Sara.

Sáng tạo trong nghệ thuật chưa bao giờ được cởi mở và đón nhận nhiệt tình như ở thời điểm này. Điều đó bắt nguồn từ tư duy đổi mới, hiện đại của người nghe, sẵn sàng chấp nhận những thử nghiệm mới mẻ. Nó cũng góp phần giúp các nghệ sĩ được thỏa sức tung hoành, sáng tạo. Qua đó, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung tại Việt Nam.

Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực đó, chính việc tự do sáng tạo cũng vô tình tạo nên những tác phẩm méo mó, lai căng, thậm chí phá nát cả những bản gốc vốn đã chiếm được chỗ đứng trong lòng công chúng trước đó. Tôi từng rất thất vọng khi nhiều ca sĩ làm mới nhạc Trịnh, nhưng đến khi những bài hát Cách mạng, ngợi ca tinh thần hào hùng của dân tộc cũng bị đưa ra cải biên thì thực sự không thể hài lòng.

>> Nhạc Trịnh ‘mất chất’ khi phối rap?

Bất kỳ điều gì cũng cần có giới hạn, và trong câu chuyện này, sự “cách tân” bài hát đã vượt quá giới hạn đó. Sự sáng tạo dù đến cỡ nào cũng phải dựa trên bản thể gốc, tôn trọng cái gốc, chứ không phải gạt đi hết những giá trị đẹp đẽ mà nó mang lại. Sáng tạo không có nghĩa là chúng ta dễ dãi, chạy theo thị hiếu mà bất chấp giá trị cốt lõi, lịch sử. Hãy làm đúng trước khi nghĩ đến chuyện làm mới.

Xem xong những tiết mục trên, không biết người khác có thấy hay không, chứ bản thân tôi thấy ngán ngẩm. Chẳng khác nào người ta đem sơn ra quét lại một ngôi chùa cổ vậy. Làm vậy, hay đâu, đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy những thứ làm nên linh hồn của tác phẩm gốc đã bị phá hỏng. Thay vào đó là một chút lai lai nước ngoài, nghe có vẻ hiện đại, bắt tai nhưng lại vô cùng kệch cỡm.

Tôi cho rằng, cần có quy định rõ ràng trong hoạt động nghệ thuật rằng cái nào được phép và cái nào không được phép mang ra cải biên theo ý tưởng riêng của cá nhân. Những thứ được xem là thiêng liêng như Bình Ngô Đại Cáo, Nam Quốc Sơn Hà, Tiến Quân Ca, những ca khúc tiền chiến, bất hủ… cần được xem xét nghiêm túc để được bảo vệ, giữ nguyên bản gốc như những di sản văn hóa của dân tộc. Không thể để ai cũng có thể tùy tiện đem ra xào xáo trong những thứ nghệ thuật lạc quẻ.

Ngọc Dung

>> Bạn nghĩ gì về việc cải biên nhạc xưa theo phong cách hiện đại? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *