Mơ mộng làm giàu từ rút BHXH một lần

‘Số tiền rút BHXH một lần không nhỏ, cũng chẳng lớn, lỡ cỡ không làm gì được, nên đừng vội mơ đến chuyện kinh doanh làm giàu từ đó’.

Cuộc tranh luận nên rút BHXH một lần hay chờ đủ tuổi nhận lương hưu vẫn đang thu hút sự quan tâm của độc giả VnExpress. Một số người chọn rút một lần: “Từ bỏ lương hưu sau 14 năm đóng Bảo hiểm“, “Chờ 17 năm để được nhận lương hưu“, “Đánh cược tuổi già bằng lương hưu“, “Nhiều người thà nghỉ hưu sớm để hưởng lương thấp“. Trong khi đó, nhiều người khác lại phản đối quan điểm này và ủng hộ chờ lương hưu: “Tuổi già ăn bám vì rút BHXH một lần“, “Rút Bảo hiểm Xã hội một lần – tư duy ăn xổi“, “Mua bảo hiểm xã hội để không làm gánh nặng cho con cái“, “Tuổi già tủi nhục vì không có lương hưu“…

Theo các chuyên gia, việc người lao động nhận BHXH một lần – tự mình rời khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế – xã hội cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Điều dễ nhận thấy, nhận BHXH một lần chỉ mang lại cho người lao động lợi ích trước mắt, chứ thực chất người lao động không lường hết được những nguy cơ sẽ đến với mình như đánh mất nhiều quyền lợi lâu dài của bản thân.

Đồng quan điểm, độc giả Hung Nguyen phân tích những mặt được và mất khi rút BHXH một lần: “Tôi đang kinh doanh ngoài, nhưng năm nay cũng phải nghiên cứu đóng lại BHXH tự nguyện. Tất nhiên, vẫn có người thành công sau khi rút một lần để ra kinh doanh, đầu tư, nhưng số này rất hiếm. Bởi thực ra, những người này thường đủ điều kiện là rút ngay, nên số tiền thu về nhỏ không nhỏ, lớn không lớn, lỡ cỡ không làm gì được. Nhất là với giá nhà đất hiện nay, số tiền rút một lần cũng chỉ như muối bỏ bể.

Còn nếu bạn mang số tiền đó đầu tư kinh doan, tôi xin nói thẳng luôn là 90% sẽ thất bại. Tôi kinh doanh từ con số 0 mà để có được số tài sản hiện giờ cũng còn thua lỗ tiền tỷ. Các bác lớn, tay ngang, không biết kinh doanh là gì thì cứ xác định là bay sạch tiền trong thời gian ngắn. Còn ai tự tin bản thân có thể khởi nghiệp khi đã ở tuổi trung niên với một số vốn ít ỏi thì cứ thoải mái.

Tôi chỉ thắc mắc những người rút BHXH một lần xong sẽ làm gì? Kinh doanh hay đầu tư? Bao nhiêu năm trời bạn không kinh doanh được, mà khi ở tuổi trung niên lại đi khởi nghiệp, cơ hội thành công là bao nhiêu? Hay bạn sẽ gửi ngân hàng và lấy lãi ăn dần? Nếu làm vậy thì yên tâm trong thời gian ngắn là bay sạch số vốn. Đến khi không đi làm được nữa, không thu nhập rồi sẽ ra sao?

Nếu là tôi, tôi thà chọn cứ giữ BHXH đó. Nghèo quá, bệnh tật có thể đi xin hộ nghèo, xin bảo hiểm mà chữa trị. Cơm không có thì đi làm việc gì cũng được, miễn có cơm ăn. Đơn giản là “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Cứ cho là số tiền rút về một lần có thể giải quyết được cơn đói trước mắt nhưng nó cũng không thể là sinh kế lâu dài. Khi hết tiền, bạn lại trở về hoàn cảnh trước đó, vậy rút làm gì?”.

>> Tuổi già ăn bám vì rút BHXH một lần

Nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014. Bên cạnh đó, khi nhận BHXH một lần, người lao động sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu, không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng để đảm bảo cho cuộc sống khi về già.

Bạn đọc Huy chia sẻ: “Tôi có quen chín người già từ 80 đến 98 tuổi. Kể cũng lạ khi rất nhiều người không nghĩ mình sẽ sống thọ đến thế. Trong số này, chỉ có một cụ 86 tuổi và một cụ 98 tuổi có lương hưu, tháng nào cũng được gọi tên, hỏi han sức khỏe, cuộc sống. Ba cụ khác đã rút BHXH một lần nên giờ ngồi ganh tỵ với người có lương hưu, dù cuộc sống con cái chu cấp tốt. Bốn cụ còn lại không đóng BHXH nên giờ chỉ phụ thuộc hoàn toàn con cái.

Thực ra, chính sách xã hội bây giờ cũng tốt, 80 tuổi có trợ cấp và cả thẻ BHYT miễn phí. Nên tôi nghĩ rút BHXH một lần chắc khác nào tiêu sạch số vốn vậy. Ai may mắn làm ăn tốt thì không sao, chứ lỡ làm ăn bết bát là đói cả nhà. Tôi cho rằng BHXH không phải để sinh lời, nhưng đó là nguồn đảm bảo sự yên tâm nhất định cho tuổi già. Dù không có nhà, bạn vẫn có ít tiền hàng tháng để ăn cơm”.

Cho rằng tư tưởng rút BHXH một lần là nghĩ ngắn, độc giả Giang hoang nhận định: “Mọi người chỉ nghĩ ngắn rằng ‘có sống đến ngày hưởng lương hưu không mà chờ?’. Nhưng tôi lại nghĩ xa hơn rằng nếu mất khi trẻ thì chẳng nói làm gì, còn nếu sau 60 tuổi vân phải bươn chải kiếm sống qua ngày thì quá khổ. Nên BHXH chính là khoản đầu tư cho tương lại, không cần nghĩ đến. Cha mẹ tôi giờ hơn 70 tuổi, lương hưu 15 năm tính trung bình cũng được gần một tỷ đồng, BHYT miễn phí, khi ốm nặng cũng không phải thanh toán nhiều. Nói chung, con cái đỡ lo, có điều kiện giúp đỡ hay không thì các cụ vẫn đủ tiêu.

Nói cách khác, BHXH như một khoản đầu tư dài hạn cho tương lai, chẳng đi đâu mà thiệt. Giờ các cụ cũng rất thọ, nhà tôi người già toàn 80-90 tuổi, trong khi người 80 tuổi không lương hưu, chỉ nhận trợ cấp gần 200 nghìn đồng một tháng thì sống sao được? So sánh những cười có và không có lương hưu trong nhà mình, tôi chọn đầu tư vào BHXH”.

>> ‘Rút Bảo hiểm Xã hội một lần – tư duy ăn xổi’

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHXH mới đạt khoảng 35-36%. Bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 28-29%, đối với lực lượng lao động trong độ tuổi như vậy là còn rất thấp, số nợ chậm đóng bảo hiểm tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, đối tượng hưởng chế độ một lần năm 2020 tăng 6,65 % so với năm 2019. Con số này có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Đây là một thực tế đáng quan ngại bởi sẽ dẫn đến hệ lụy phá vỡ hệ thống bảo hiểm xã hội.

Nhấn mạnh tính ưu việt của BHXH, bạn đọc Minh Hoàng khẳng định: “Cái hay nhất của đóng BHXH chính là tính bảo vệ, cũng gần tương tự đóng bảo hiểm nhân thọ. Nó giống như một khoản tiết kiệm dài hạn, mà chúng ta chỉ thấy tác dụng khi tuổi đã già. Việc so sánh lương hưu với số tiền rút một lần rồi đem gửi tiết kiệm là hoàn toàn chỉ nhìn một mặt. Khi về già, nếu bạn giàu có thì có lương hưu hay không cũng không sao, coi như đóng góp cho xã hội. Nhưng nếu bạn khó khăn, bệnh tật thì đó lại là cơ sở để bạn duy trì cuộc sống vừa đủ hàng tháng.

Có một đặc điểm cho loại hình đầu tư này là thời gian rất dài, nghĩa là mọi người có xu hướng không muốn rút ra dùng vào việc khác. Trong khi đó, nếu để tiền trong ngân hàng, bạn sẽ có xu hướng rút ra cao hơn. Thế nên, BHXH chính là giúp bảo vệ tài sản của bạn, thay vì để bạn rút ra kinh doanh khi chưa tính đến rủi ro, hay tiêu pha vô tội vạ…

Liệu bạn có chắc khi rút một lần, đời sống cá nhân sẽ khá hơn cho đến lúc về già? Chỉ khi bạn gặp biến cố, những tài sản như BHXH mới phát huy tác dụng của nó. Việc dành một khoản để đóng BHXH có thể khiến thu nhập hàng tháng của bạn bị giảm đi, nhưng nó cũng sẽ khiến bạn có thêm động lực để làm việc nhiều hơn, hiệu quả hơn, chủ động tìm cách tăng thu nhập thay vì tâm lý ỷ lại”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *