Tôi cho tàu điện Cát Linh

So sánh với tàu điện lâu đời ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), tôi có thể nhận ra những điểm còn hạn chế của tàu Cát Linh – Hà Đông.

Nhiều người đánh giá vẻ bề ngoài của tàu điện Cát Linh – Hà Đông, nhưng tôi lại để ý đến thứ khác, đó là độ tiện ích và tiện nghi của tuyến này đối với hành khách là như thế nào? Thế nên, thay vì chụp ảnh check-in như số đông, tôi dành thời gian để đi quanh nhà ga, ngó nghiêng trên tàu nhiều hơn và bài viết này cũng sẽ tiếp cận tuyến tàu này với góc độ như vậy.

Trước tiên phải nói rằng tôi vô cùng ủng hộ loại hình giao thông công cộng này. Thế nên, xin không nói về những khía cạnh như thời gian thi công chậm hay chất lượng công trình, đội vốn đầu tư ở đây nữa, vì đã có quá nhiều người nói rồi. Đây là những điểm tôi rút ra sau chuyến trải nghiệm của mình:

Ghế ngồi trên tàu khá rộng rãi, đáp ứng được mọi nhu cầu của các đối tượng khác nhau. Tàu có điều hòa không khí, nên mùa hè người dử dụng sẽ không sợ bị nóng. Trong nhà ga có toilet khá sạch sẽ. Loa thông báo tương đối rõ ràng, ngắn gọn, có cả tiếng Anh nhưng âm lượng hơi bé. Tàu chạy khá êm, tiếng ồn ở mức chấp nhận được nếu như hành khách không nói chuyện ồn ào.

Nhưng về lâu dài, tôi nghĩ nên bổ sung những thứ sau để cải thiện chất lượng phục vụ và an toàn cho hành khách:

Trước tiên, cần có cửa ngăn cách giữa sân tàu và đường tàu cho thêm phần an toàn. Nhà ga có nhân viên đường sắt đứng trực nhưng sẽ khó có thể phản ứng kịp khi hành khách đông.

>> Tàu điện hiện đại, ý thức ‘cổ đại’

Cửa soát vé nên bổ sung một lối dành cho người mang theo hành lý lớn như vali. Hiện giờ, theo quan sát của tôi, cửa soát vé khá hẹp, người mang hành lý nhỏ có thể ổn, nhưng nếu mang vali lớn sẽ rất khó khăn. Nhất là nếu sau này tuyến ra Nội Bài được xây dựng hoặc tuyến 3 (Nhổn – Ga Hà Nội) đi vào vận hành.

Ngoài ra, cũng nên tích hợp thẻ tàu điện với thẻ xe buýt. Ở Hàn Quốc, họ gọi đây là “thẻ giao thông” bởi nó còn có thể quẹt cả trên taxi nữa. Người sử dụng chỉ cần nạp tiền vào thẻ như thẻ trả trước điện thoại. Người ta cũng khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng chính sách: nếu bạn đổi buýt – tàu điện hoặc ngược lại trong vòng 30 phút sẽ được miễn phí. Về mua thẻ đi tàu, nếu chuyển thành thẻ trả trước như ở ý trên thì cũng nên mở rộng việc nạp tiền qua nhiều hình thức: ở cửa hàng tiện lợi, ví điện tử, máy nạp tự động…

Cuối cùng, nên kẻ hàng vạch ở sân ga cho hành khách xếp hàng, yêu cầu hành khách không chen lấn, xô đẩy ở khu vực sân ga vì mất an toàn và tuyệt đối nhường người xuống tàu bước ra trước.

Trên đây cũng là những gì tôi rút ra sau khi được trải nghiệm tàu điện lâu đời ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc và đi thử tàu điện Cát Linh – Hà Đông tại Hà Nội trong ngày khai trương.

Để chấm điểm tàu Cát Linh – Hà Đông, tôi xin dành điểm 7.5/10. Mong những hạn chế trên sẽ sớm được ban quản lý lắng nghe và điều chỉnh để nâng cao chất lượng tàu trong thời gian sớm nhất.

Vũ Thế Anh

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *