Tôi không lái xe vào cao tốc dù có bằng sáu tháng

Tự nhận thấy phản xạ lái xe còn kém, tôi chỉ dám đi những đoạn đường gần với tốc độ dưới 60 km/h để rèn luyện kỹ năng mỗi ngày.

“Thực tế, bất kỳ ai cũng cần có thời gian để nâng cao khả năng cầm lái ôtô an toàn. Tôi ở Mỹ, thấy hơn 90% người trên 18 tuổi ở đây đều có bằng lái ôtô và sử dụng ôtô hàng ngày. Nhưng người dưới 25 tuổi sẽ phải mua bảo hiểm ôtô đắt hơn nhiều so với người trên 25 tuổi. Ngoài ra, người trên 25 tuổi và có bằng lái dưới ba năm sẽ phải mua bảo hiểm ôtô đắt hơn.

Cá nhân tôi, 25 năm trước, khi tôi 19 tuổi mua bảo hiểm ôtô một chiều (chỉ bồi thường cho xe người khác bị tôi đụng) với giá 1.200 USD cho sáu tháng. Nhưng khi tôi 25 tuổi, mua bảo hiểm ôtô hai chiều (bồi thường cho cả hai bên nếu tôi đụng phải xe người khác) với giá 750 USD cho sáu tháng. Lý do là bởi người mới biết lái xe chưa có kỹ năng xử lý tốt như người lái lâu năm được, và nguy cơ gây tai nạn nhiều hơn.

Khi lái ôtô, phản ứng phanh, lên ga nhanh hay chậm, định ứng thời gian… bạn cần phải luyện tập theo thời gian dài mới có thể hình thành phản xạ. Bằng lái ôtô xét cho cùng cũng chỉ là chứng chỉ được điều khiển xe theo luật, còn chuyện bạn lái xe trong thực tế thế nào lại là do kỹ năng và ý thức của người tài xế.

Khi tôi có bằng lái, tự nhận thấy phản xạ khi điều khiển xe còn kém, nên tôi không thoải mái khi lái xe vì sợ. Tôi chỉ dám đi những đoạn đường gần với tốc độ dưới 60 km/h để đến nơi cần đến, không dám vào cao tốc giới hạn tối thiểu 100 km/h. Tôi đã không đi vào cao tốc trong sáu tháng kể từ khi lấy bằng lái, để tự luyện khả năng lái xe mỗi ngày qua việc đi học, đi những nơi cần đến trong phạm vi gần”.

Đó là chia sẻ của độc giả Bo xung quanh câu chuyện Tôi không dám lái ôtô dù có bằng“. Thống kê của Uỷ ban ATGT Quốc gia trong vài năm gần đây cho thấy, số vụ TNGT do nam giới lái xe gây ra chiếm khoảng 87%, nữ giới là 13%. Con số này được duy trì khá ổn định trong nhiều năm.

Nhấn mạnh việc có bằng lái chưa chắc đã có thể lái giỏi, bạn đọc Dangvinh13 cho rằng: “Trăm hay không bằng tay quen. Nam nữ gì cũng vậy, phải thường xuyên luyện tập vì khi mọi thứ bất ngờ xảy ra trong giao thông thực tế, việc xử lý nằm ở chữ ‘phản xạ’. Đó là phản ứng có điều kiện và vô điều kiện, do chúng ta luyện tập thường xuyên mới có được phản xạ chính xác. Tâm lý hoảng loạn thì ai cũng có, nhưng phản xạ tự nhiên chỉ có được khi tập luyện thường xuyên.

Nhiều người học lái hẳn hoi cũng chưa chắc đã lái giỏi. Người lái giỏi là người coi lái xe là niềm vui, là sở thích, là thoải mái, là làm chủ vô lăng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chiếc xe nào, họ cũng đều phải xử lý được. Tất nhiên, đã cầm lái ra đường thì chuyện học và có bằng lái là điều tất nhiên phải có vì là an toàn cho mình, cho người khác và sống làm việc theo pháp luật”.

>> Ôtô gắn cảnh báo ‘phụ nữ lái xe’

Việc di chuyển trong các thành phố lớn hỗn độn các loại xe cộ là nỗi ám ảnh của các lái xe, nhất là những người mới lái. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể lái xe an toàn nếu chịu khó tập luyện. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, người mới lái nên lưu ý khi điều khiển ôtô. Vậy làm sao để cải thiện phản xạ khi lái xe? Độc giả Má sấp nhỏ gợi ý: “Thật ra, cho chị em ra cao tốc lái 100 km/h cũng vẫn sẽ lái tốt, còn vào nội thành chạy chung làn với xe máy, xe buýt và vô số thể loại vật cản bất ngờ thì ngay các nam tài xế chuyên lái xe tải ở châu Âu cũng phải chùn bước. Ngồi sau vô lăng mà cảm thấy lo lắng là biểu hiện của một tài xế có trách nhiệm, hiểu được mỗi cái đánh lái có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Vậy thì làm sao để cải thiện? Bạn có thể đăng ký các khóa rèn luyện tay lái theo giờ, mỗi tuần ba tiếng có kèm hướng dẫn viên ngồi kèm cặp. Nếu có điều kiện, bạn thuê hẳn sân, rồi lấy xe nhà ra tập cho quen địa hình, tay lái. Sau đó bạn lái ra đường vắng, rồi tập đi khi đường đông. Nếu bạn không tự tin thì luôn luôn nhờ chồng hoặc người có kinh nghiệm ngồi kế bên để điều chỉnh kỹ năng. Dần dần, bạn mới thành thạo được. Và cho dù đã khá quen tay thì cũng không bao giờ được phép chủ quan sau tay lái”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyentronghia bổ sung thêm: “Phụ nữ cũng có khả năng lái xe tốt không kém gì đàn ông. Tuy nhiên, để lái xe ổn định và an toàn thì không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông, nhất là những người mới có bằng lái (học thi đàng hoàng) cũng cần được rèn luyện và thực hành thường xuyên. Tất nhiên, bạn không thể đem an toàn của mình và người khác ra thực tập được.

Thay vào đó, các bạn nên thuê xe tập lái có người ngồi cùng thắng phụ để can thiệp kịp thời (phụ nữ nên lái xe số tự động) mỗi ngày 1-2 giờ và lái trong nhiều điều kiện giao thông thực tế khác nhau. Khi đã đủ tự tin xử lý thì hãy tự cầm lái. Hoặc có thể nhờ bạn, chồng đưa xe ra các khu dân cư mới, vắng người và thực tập, làm quen dần với việc tham gia giao thông ở các hoàn cảnh khác nhau, đến lúc tự tin mới cầm lái một mình”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *